Khởi động dự án quản lý nước có vốn đầu tư hơn 6.190 tỷ đồng

Dự án quản lý nước Bến Tre, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2017, có quy mô lớn với tổng mức đầu tư hơn 6.191 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, sau thời gian chuẩn bị, đến nay Dự án quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đã đảm bảo các hồ sơ thủ tục theo quy định để triển khai thực hiện.

Dự án này, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2017, có quy mô lớn với tổng mức đầu tư hơn 6.191 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và thành phố Bến Tre.

Theo thiết kế, dự án bao gồm hai hợp phần, với các hạng mục như: xây dựng 8 cống và một trạm bơm, gồm 5 cống trên địa bàn Bắc Bến Tre (An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre, Tân Phú, Bến Rớ và 1 trạm bơm điện Tân Phú); 3 cống địa bàn Nam Bến Tre (Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm) thuộc hợp phần 1. Hợp phần 2 gồm hệ thống giám sát và và quan trắc.

Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là chủ đầu tư dự án. Riêng hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện và quyết toán toàn bộ hợp phần này.

Mục tiêu của dự án là tăng cường bảo vệ và nâng cao việc sử dụng nguồn nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng dự án không bị đe dọa bởi xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự khai thác quá mức thượng nguồn sông Mekong.

[Thủ tướng: Cần khoảng 3.000 tỷ đồng để ĐBSCL xử lý dứt điểm sạt lở]

Cụ thể, Dự án quản lý nước Bến Tre sẽ ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng; kiểm soát mặn cho 204.270ha diện tích đất tự nhiên thuộc 9 huyện, thành phố Bến Tre.

Dự án còn chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 110.442ha đất nông nghiệp trong tổng số 137.224ha toàn tỉnh Bến Tre, theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Ngoài ra, dự án còn cải thiện môi trường nước; tạo địa bàn phân bố dân cư và kết hợp giao thông thủy bộ, tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ liên tục trong vùng. Đồng thời, trong khuôn khổ dự án còn xây dựng và tăng cường hệ thống quản lý tài nguyên nước mặt tổng hợp cho tỉnh Bến Tre.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, trong tháng 11/2019, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 sẽ bàn giao cho địa phương mốc ranh đền bù của tất cả 8 cống để tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng.

Việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai đồng thời ở tất cả các cống, trong đó ưu tiên các cống Thủ Cửu, Cái Quao, Tân Phú, Bến Rớ. Thời điểm bàn giao mặt bằng sạch các cống này là tháng 7/2020.

Sau khi bàn giao bặt bằng, các cống Tân Phú và Bến Rớ dự kiến được khởi công trong năm 2020 và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2022. Các cống Thủ Cửu, Cái Quao dự kiến khởi công trong năm 2021 và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Riêng các cống Vàm Nước Trong, Vàm Thơm, An Hóa, Bến Tre sẽ khởi công trong năm 2022 và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho hay sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp địa phương kiểm soát nguồn nước (chủ động kiểm soát nước mặn, cung cấp nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế-xã hội).

Mặt khác, toàn bộ 8 cống đều kết hợp xây dựng đường giao thông ôtô qua cống sẽ giúp cải thiện hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu, nhằm giúp người dân đi lại thuận tiện.

Bốn cống nằm trên tuyến đường giao thông thủy quốc gia là An Hóa, Bến Tre, Vàm Thơm, Vàm Nước Trong có xây dựng âu thuyền kết hợp cống nhằm tạo thuận lợi cho giao thông thủy được liên tục trong thời gian đóng cống để ngăn mặn.

Ngoài ra, để đảm bảo duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, tại các cống An Hóa, Bến Tre, Vàm Thơm và Vàm Nước Trong có xây dựng “đường đi cho cá” kết hợp với cống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục