Khởi động Dự án chăm sóc sức khỏe đối với nạn nhân dioxin

Dự án có mục tiêu cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng
Chăm sóc cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 29/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng những nỗi đau, vết thương do chất độc hóa học/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã và đang gây nhiều tác hại đến sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân và người dân bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời, hàng triệu người và cả con, cháu họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Những người này đang rất cần có sự chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

[Đấu tranh cho nạn nhân da cam Việt Nam: Chờ thời cơ thuận lợi]

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tiếp tục thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:“Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020," ngày 24/11/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-BYT phê duyệt Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021.

Dự án có mục tiêu cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết Dự án được triển khai thực hiện ban đầu ở 10 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre với tổng nguồn vốn là 72,3 tỷ đồng, được cân đối chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của Dự án và nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật ngày càng cao, ngày 2/8/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4762/QĐ-BYT phê duyệt và điều chỉnh Quyết định số 5305/QĐ-BYT, bổ sung tỉnh Hà Tĩnh tham gia dự án, nâng số tinh trực tiếp thực hiện lên 11 tỉnh, nâng tổng nguồn vốn của dự án lên 76,160 tỷ đồng...

Dịp này, Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn cho các địa phương, đơn vị tham gia thực hiện Dự án như hướng dẫn về danh mục bệnh tật, dị dạng dị tật có liên quan với chất độc hóa học, phương pháp khám giám định; hướng dẫn về công tác tài chính thực hiện các hoạt động của dự án.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục