Khởi động dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) chính thức được khởi động chiều 16/4 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Thuốc ARV điều trị HIV. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Thuốc ARV điều trị HIV. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Pre-Exposure Prophylaxis - PrEP) chính thức được khởi động chiều 16/4 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đây là dấu mốc quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ toàn diện, đáp ứng nhu cầu cho người dân thành phố, nhất là các bạn trẻ.

Từ đây, các cơ sở điều trị không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp cơ học để dự phòng lây nhiễm HIV như dùng bao cao su, dùng bơm kim tiêm sạch, mà còn có thể sử dụng các biện pháp y sinh học để dự phòng rộng rãi.

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một biện pháp mang lại hiệu quả dự phòng hữu hiệu. Trước mắt, dịch vụ sẽ được cung cấp tại Trung tâm y tế Đống Đa, Trung tâm y tế Long Biên, Trường Đại học Y Hà Nội. Trong tương lai, Hà Nội sẽ mở rộng dịch vụ này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là biện pháp dự phòng nhiễm HIV bằng cách uống thuốc kháng virus ARV đều đặn hàng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV.

Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên 90%, qua tiêm chích ma túy tới 70%. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm an toàn cho người dùng, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Năm 2016, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được thí điểm đầu tiên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2017, Bộ Y tế đã đưa nội dung điều trị dự phòng trước phơi nhiễm vào hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tại Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 1/12/2017. Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV, giai đoạn 2018-2020.

[TP.HCM: Nhiều người phải điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do bị đâm]

Đặc biệt, giai đoạn 2018-2020, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được mở rộng, thuốc kháng HIV cho điều trị được cung cấp miễn phí. Đây cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi đển nhóm có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.

Trong giai đoạn mở rộng hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án/tổ chức triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại 11 tỉnh, thành phố với 43 cơ sở y tế tư nhân và nhà nước. Hiện đã có hơn 2.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ.

Khởi động dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ảnh 1Những bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được khám, cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong thời gian tới, Cục sẽ làm việc với các đối tác để tiếp tục mở rộng các địa bàn triển khai dịch vụ, giúp khách hàng có nhu cầu có thể tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn. Hà Nội là đơn vị tiên phong triển khai thí điểm chương trình từ năm 2016.

Đến nay, dịch vụ được cung cấp tại 8 cơ sở y tế, trong đó có Phòng khám đa khoa số 3 - Trung tâm Y tế Đống Đa.

Theo báo cáo của chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS, dù dịch HIV đã có xu hướng giảm nhưng vẫn có khoảng 2 triệu người phát hiện nhiễm HIV mới mỗi năm.

Tại Việt Nam, đến hết năm 2018, ước tính số người nhiễm HIV hiện còn sống là 250.000 người, trong đó hàng năm trung bình khoảng 10.000 người phát hiện nhiễm HIV mới.

Theo kết quả giám sát tại các tỉnh, thành phố, năm 2018 trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới lại tăng.

Cụ thể, trước đây tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 3,4%. Riêng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng cao, từ 7,4% năm 2016 lên 11,4% năm 2018.

Theo ước tính, cả nước có khoảng 174.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong độ tuổi 15-49 và riêng Hà Nội có tới hơn 30.000 MSM (chiếm khoảng 17,5% số MSM cả nước).

Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV, thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như MSM, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.

Hiện nay, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục