Khởi động các nỗ lực mới để bảo tồn đa dạng sinh học

Sau nhiều lần trì hoãn do đại dịch COVID-19, Đại hội của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã được tổ chức trong tuần đầu tháng 9 với mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học.
Một góc rừng nhiệt đới tại Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: DeAgostini/Getty Images)

Thành phố Marseilles ở miền Nam nước Pháp những ngày này sôi động hơn với sự hiện diện của các nhà bảo tồn thiên nhiên đến từ nhiều nước trên thế giới, của đại diện các tổ chức, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực về dự Đại hội của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế 2021 (IUCN 2021).

Sau nhiều lần trì hoãn do đại dịch COVID-19, sự kiện này đã được tổ chức trong tuần đầu tháng 9 với mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, xác định các ưu tiên và khởi động những hành động mới để bảo vệ hệ sinh thái. Đại hội cũng là dịp để cập nhật “Danh sách Đỏ” về các loài bị đe dọa, bàn về các nỗ lực nhằm bảo vệ các hệ động-thực vật trước nguy cơ diệt vong.

Theo một báo cáo khoa học quốc tế được công bố gần đây, môi trường đa dạng sinh học của Trái Đất đang trải qua một đợt suy giảm "chưa từng có trong lịch sử". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phát biểu khai mạc đã kêu gọi thế giới phải đặt vấn đề môi trường như là một "sự ưu tiên hàng đầu."

Pháp là quốc gia đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội Bảo tồn thiên nhiên, kể từ khi IUCN được thành lập ở Fontainebleau vào năm 1948. Nước này cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sinh học.

Nhận thức về mối liên quan không thể tách rời giữa sự xuống cấp của các sinh vật và biến đổi khí hậu, cũng như mối quan hệ nhân quả của chúng, Pháp đã triển khai nhiều giải pháp dựa trên tự nhiên, chẳng hạn như phục hồi hệ sinh thái để tăng cường "kho" lưu giữ CO2, kêu gọi các nước cùng soạn thảo một hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, phân loại các khu vực để bảo vệ 30% các loài sống trên mặt đất và dưới biển từ nay đến năm 2030, hoặc thông qua một khuôn khổ chung về bảo vệ Địa Trung Hải. 

Tại Đại hội IUCN 2021, Quốc vụ khanh phụ trách Đa dạng sinh học thuộc bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp Bérangère Abba nhận xét: "Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy sự mong manh của xã hội loài người khi phải đối mặt với những xáo trộn của hệ sinh thái."

[FAO phát động "Phát triển xanh các nông sản đặc biệt"]

Theo báo cáo về tình hình đa dạng sinh học thế giới do Diễn đàn chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học (IPBES) thực hiện, ước tính khoảng 1 triệu loài động thực vật đang gặp nguy hiểm trong những thập niên qua. Một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Hơn 40% các loài lưỡng cư, 33% san hô và 1/3 các loài động vật có vú ở biển đang bị đe dọa.

Môi trường sinh thái đang ngày càng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, góp phần làm xói mòn các hệ sinh thái, đe dọa kinh tế toàn cầu. Ông Yann Wehrling, cựu Đại sứ Pháp về đa dạng sinh học, cảnh báo: "Cần phải đẩy nhanh tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học nếu chúng ta không muốn phải trả giá đắt."

Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ thiên nhiên cũng bày tỏ hy vọng chính phủ các nước sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Chủ tịch Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Véronique Andrieux cho biết tổ chức này đã kêu gọi chấm dứt trợ cấp và ưu đãi thuế cho các hoạt động như nông nghiệp thâm canh, các dự án cơ sở hạ tầng neo đậu tàu thuyền trong không gian tự nhiên, công nghiệp khai thác khoáng sản... cho rằng đây là những hoạt động hủy hoại sinh thái.  WWF cũng kêu gọi tăng ngân sách dành cho đa dạng sinh học, đặc biệt coi đó như một phần của kế hoạch khôi phục hậu COVID-19.

Theo một kết quả nghiên cứu dài 600 trang, do Bộ Tài chính Anh đặt hàng, nếu như mỗi năm các quốc gia chi ra trung bình 68 tỷ USD để bảo vệ thiên nhiên thì ngược lại có đến 4.000 tỷ USD được chi để tài trợ cho các hoạt động gây tổn hại thiên nhiên, trong đó có các hoạt động như khai khoáng hay nông nghiệp thâm canh.

Còn báo cáo độc lập Waldron đưa ra số tiền ước tính để duy trì các hoạt động bảo vệ thiên nhiên từ nay đến năm 2030 là 722-976 tỷ USD/năm, trong đó 3/4 là để hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình kinh tế hiện nay sang hướng đưa bảo tồn thiên nhiên trở thành một mục tiêu của nền kinh tế. Phần còn lại được dành để trực tiếp đầu tư cho các khu bảo tồn.

Chia sẻ với quan điểm của nhiều chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học, WWF cũng khẳng định rằng các khu bảo tồn thiên nhiên cần được hưởng lợi từ việc bảo vệ thực sự, được ưu đãi về nguồn nhân lực và tài chính cũng như cần được phân bổ tốt hơn trên toàn lãnh thổ.

Trong khuôn khổ Đại hội IUCN, nhiều diễn đàn mở được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với những vấn đề của môi trường. Các bên tham gia cùng trao đổi và tập hợp các kiến nghị để gửi tới Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia công ước về đa dạng sinh học (COP15), dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào tháng 10 và trực tiếp vào tháng 4/2022 tại Trung Quốc, nơi các nước sẽ thông qua việc thiết lập một kế hoạch toàn cầu để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái cần thiết cho nhân loại từ nay đến năm 2050.

Nội dung quan trọng của Đại hội IUCN là thông qua các kế hoạch hành động, trong đó có việc kêu gọi tăng cường bảo vệ các loài thú biển, thiết lập lệnh cấm khai thác dưới đáy biển sâu, hoặc công nhận vai trò của người dân bản địa trong bảo tồn thiên nhiên. Khoảng hơn 100 lời kêu gọi khác cũng được thông qua bằng hình thức điện tử.

Bên cạnh đó, các bên cũng đưa ra tuyên bố cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh cúm động vật do việc đưa hoạt động con người vào môi trường sống tự nhiên và những biện pháp cần thực hiện để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch ủy ban IUCN của Pháp bày tỏ hy vọng:"Nếu hàng chục quốc gia đồng ý về các mục tiêu chung đưa ra trong đại hội lần này, đó sẽ là một bước khởi đầu đáng khích lệ cho COP15"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục