Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn

Nhiều địa phương quan tâm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, hợp tác xã, qua đó đem lại nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương.
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Ngày 20/11, tại thành phố Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo thực trạng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn.

Hội thảo đã thu hút đại diện của 56 tỉnh, thành phố trong cả nước; các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; đại diện các hợp tác xã, trang trại, đơn vị hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sự đồng bộ về mọi mặt, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch.

Thời gian tới, để tăng khả năng thu hút, phục vụ khách du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch thì việc đổi mới xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm và chất lượng cao là quan trọng.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch cộng đồng, chú trọng tới sự đa dạng các sản phẩm.

[Cổng trời Pù Luông: Khám phá điểm ‘check-in,’ săn mây siêu hot]

Các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng ban hành quy chế phối hợp, hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đã giới thiệu về những lợi thế của tỉnh Hòa Bình là điểm đến du lịch kết hợp với nông nghiệp, nông thôn đầy tiềm năng.

Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục ra sức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đầu tư cơ sở vật chất đạt 290 homestay với sức chứa 4.350 người, tạo việc làm cho 1.126 lao động, doanh thu du lịch đạt 2.145 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ nhấn mạnh hội thảo là cơ hội để tỉnh Hòa Bình thu nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học trong quản lý, kinh doanh du lịch; đồng thời, để đổi mới, tăng tính hiệu lực, hiệu quả quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch bền vững nhất là trong du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; kinh nghiệm thế giới và vận dụng vào Việt Nam; phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một snar phẩm) gắn với du lịch nông nghiệp, nông nghiệp…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2019, cả nước hiện có 34.348 trang trại nông nghiệp.

Dự kiến đến hết tháng 12/2020 cả nước có 17.462  hợp tác xã nông nghiệp và 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch, nông nghiệp, nông thôn là hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng phát triển.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, hợp tác xã, qua đó đem lại nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương.

Loại hình trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch phổ biến ở những vùng có quỹ đất còn rộng như miệt vườn miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi và trung du…

Các mô hình hợp tác xã phát triển du lịch gồm: Hợp tác xã sản xuất sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch và hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng (homestay).

Bên cạnh đó, việc phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp là sự gia tăng về sinh kế, thu nhập cho chủ trang trại và các thành viên hợp tác xã.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, hợp tác xã thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Tại tỉnh Hòa Bình, tính đến hết năm 2019, có 9 điểm du lịch cộng đồng homestay với tổng số 157 hộ tham gia, 2.355 giường. Tổng số lao động trực tiếp là 428 lao động, lao động gián tiếp trên 200 lao động. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch cộng đồng là 415 tỷ đồng với tổng 471 nghìn lượt khách tham quan du lịch.

Nhiều nhà nghỉ du lịch cộng đồng được đầu tư cơ sở vật chất có quy mô và chất lượng dịch vụ cao. Các điểm du lịch cộng đồng nằm chủ yếu ở các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn.

Hiện nay, Hòa Bình có điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP hạng từ 3 sao trở lên, nhiều điểm du lịch đã được nhận giải thưởng Homestay Asian…

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục