Chiều 4/2, gặp mặt đoàn doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định lãnh đạo Chính phủ trân trọng, lắng nghe các ý kiến, khuyến nghị của các hiệp hội để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy cỗ xe kinh tế đất nước phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới (đạt gần 740 tỷ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Chúng ta cũng đã có những doanh nhân lọt vào nhóm các "tỷ phú USD" đồng thời xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân tư nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng.
Trong thời gian chống dịch COVID-19, có doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng cho Quỹ vaccine, giúp cho Quỹ đạt gần 9.000 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng ta sớm xử lý được tình huống, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước trở lại trạng thái bình thường.
Nhấn mạnh vai trò của phát triển kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân tư nhân, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị chính quyền các cấp khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc.
Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung-cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
“Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội theo hình thức hợp tác công-tư," Phó Thủ tướng lưu ý.
Về phía Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hội nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đánh giá thời cơ, thách thức, xu hướng thị trường, đặc biệt là các xu thế mới về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về phát triển bền vững, phát triển xanh, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho các hội viên.
Hội tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện quyền lợi cho các hội viên trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các hội viên của Hội phát huy tinh thần dân tộc Việt Nam, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh, tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ động nắm bắt cơ hội, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường hiện nay. Xây dựng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
Các doanh nghiệp tư nhân chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều “tỷ phú đôla" hơn nữa.
Cho rằng trong điều kiện thế giới thay đổi rất nhanh, rủi ro trong kinh doanh rất lớn, Phó Thủ tướng nhắc nhở các doanh nhân trong hoạch định kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh, cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, sẵn sàng các giải pháp ứng phó hiệu quả với những rủi ro có thể xảy ra cả về định hướng phát triển, huy động vốn, sử dụng các nguồn lực...
[Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế]
“Kinh doanh cần phải mạo hiểm, nhưng cũng phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ càng, làm phải chắc, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất kiểm soát, khi đó sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn, thậm chí gây ra những phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới cả hệ thống. Doanh nghiệp khỏe, doanh nhân khỏe, thì cả hệ thống sẽ phát triển bền vững," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng mong muốn các hội viên tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nhân tư nhân tiêu biểu kiến nghị nhà nước có các chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững, cạnh tranh bình đẳng, tạo ra những bước đột phá phát triển doanh nhân tư nhân; có chính sách bảo hộ thương hiệu quốc gia, doanh nhân tư nhân đã đạt được.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái “ngủ đông” sau đại dịch COVID-19, đại diện doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách phù hợp, hiệu quả để đánh thức, khích lệ doanh nhân, doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới cho đất nước.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cam kết sẽ mang hết tâm-tài-trí-tín để cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của đất nước./.