Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh

Phong trào “Học sinh nghiên cứu khoa học” đã trở thành sân chơi bổ ích cho những học sinh đam mê khoa học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học phổ phông từ năm học 2008-2009, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai phong trào “Học sinh nghiên cứu khoa học.” Đến nay, phong trào này đã trở thành sân chơi bổ ích cho những học sinh đam mê nghiên cứu khoa học.

Ba học sinh Lê Anh Thư, Huỳnh Đức Tài và Nguyễn Thiện Thành, lớp 12 trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, Quận 5 vừa đoạt giải nhì lĩnh vực và giải nhì toàn cuộc trong Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm 2014 khiến nhiều người thán phục. Tuy không phải là học sinh giỏi môn hóa nhưng nhóm lại chọn đề tài liên quan đến hóa: “Ứng dụng bạc nanô để thiết kế hệ thống xử lý nước ngầm”.

Huỳnh Đức Tài (trưởng nhóm) tâm sự nghe tên đề tài thấy dễ nhưng thực sự khi bắt tay vào làm nhóm mới thấy khó khăn, nhất là trong nhóm không có ai học chuyên sâu về hóa. Thời điểm khó khăn nhất trong quá trình làm đề tài đó là lúc về tận các lò gốm ở Bình Dương thuyết phục các chủ lò cho thử nung đất sét trộn mùn cưa và lúc thử tỉ lệ đất sét với mùn cưa sao cho khuôn gốm này lọc nước nhanh nhất mà vẫn giữ lại được những kim loại nặng.

Muốn tìm ra được tỉ lệ thích hợp cả nhóm đã phải đọc thêm tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài và kiến thức chuyên sâu về hóa học rất nhiều. Và phải kéo dài trong ba tháng nhóm mới tìm ra được tỷ lệ thích hợp 6: 4 (tức là 6 mùn cưa và 4 đất sét).

Là dân chuyên hóa nên Trần Ngọc Thiên Trinh và Nguyễn Ngọc Thủy Tiên, học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông Gia Đinh, Quận Bình Thạnh, thuận lợi hơn khi bắt tay vào đề tài “Chế tạo túi xanh từ lá chuối” (đạt giải nhất cấp thành phố). Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu hai bạn đã vấp phải không ít khó khăn.

Thiên Trinh tâm sự khó khăn nhất của đề tài là kết dính hai bề mặt lá chuối lại. Vì lá chuối không giống như những vật liệu thông thường khác có thể sử dụng những keo bình thường như keo dán sắt, keo sữa, băng keo để dán lại. Cho nên, dù đã thử hầu hết các loại keo nào có trên thị trường nhưng vẫn không kết dính được lá chuối.

Tình cờ, em và Tiên đọc được tài liệu nghiên cứu của một anh sinh viên làm keo từ xốp phế thải để dán gỗ. Vì đã nghiên cứu kỹ về cấu trúc lá chuối nên biết rằng xenlulozơ là thành phần chính có trong lá chuối và gỗ. Do đó, nếu loại keo này có thể dán được gỗ thì cũng có thể dán được lá chuối. Em cùng Tiên đã mạnh dạn nghiên cứu đưa ra tỷ lệ công thức pha chế loại keo và kết quả đã kết dính được hai bề mặt lá chuối.

Theo nhiều giáo viên, việc khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ nhằm khơi dậy ở các em niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu mà qua đó giúp giáo viên thay đổi phương pháp dạy học. Không chỉ vậy, phong trào nghiên cứu khoa học còn cung cấp những kỹ năng thiết yếu làm hành trang cho các em sau này.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng, Trường trung học phổ thông Gia Định cho biết mục tiêu của nhà trường khi phát động phong trào nghiên cứu khoa học không phải chỉ là đi thi để đoạt giải thưởng, quan trọng là phải khơi dậy niềm đam mê, khả năng chủ động trong nghiên cứu khoa học cho học sinh, thay vào việc học sinh chỉ biết nhận kiến thức từ thầy cô.

Hơn nữa, phong trào này giúp các em làm quen với các hoạt động thực nghiệm , có cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm và thêm yêu thích bộ môn, chứ không chỉ để tham gia các kỳ thi.

Bên cạnh đó về phía thầy cô, nếu trước đây, thầy cô chỉ biết đi dạy theo sự phân công thì bây giờ họ cũng phải năng động để cùng với trò tham gia nghiên cứu khoa học. Thầy cô cũng phải chủ động suy nghĩ đề tài tham khảo cho học sinh, cũng như hình thành những quy trình hướng dẫn các em nghiên cứu, qua đó, thầy và trò cùng giúp nhau và học hỏi lẫn nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục