Với mong muốn đẩy mạnh phong trào võ thuật trong cộng đồng, Võ sư Phùng Đăng Huấn và những thành viên tại Trung tâm Đào tạo Võ thuật Năng khiếu Việt đã và đang không ngừng nỗ lực nhằm khơi dậy niềm đam mê của thế hệ trẻ đối với tinh hoa Võ học truyền thống Việt Nam.
'Vườn ươm' tài năng trẻ
Đều đặn vào khoảng 17 giờ 00 hằng ngày, các võ sinh nhí thuộc Võ phái Phùng Gia Việt Nam tập trung tại cơ sở luyện võ địa chỉ số 29 ngõ 42 ngách 109 phố Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).
Sau khi hoàn thành nghi thức chào, các học viên nhanh chóng xếp hàng để thực hiện những bài khởi động nhằm chuẩn bị cho buổi tập do các Võ sư, Huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo Võ thuật Năng khiếu Việt hướng dẫn.
Khởi đầu từ những lớp học nhỏ với chỉ khoảng 10 võ sinh tại làng Giáp Nhị, Thịnh Liệt (Hà Nội), đến nay Trung tâm Đào tạo Võ thuật Năng khiếu Việt của Võ sư Phùng Đăng Huấn đã có 6 cơ sở võ đường hoạt động tại hai quận Hoàng Mai và Thanh Trì.
"Từ mục đích ban đầu là xây dựng một sân chơi thể thao dành cho những người đam mê võ thuật, Trung tâm dần trở thành một địa chỉ uy tín để các phụ huynh an tâm gửi gắm con em, tạo môi trường phù hợp cho các bạn nhỏ không chỉ luyện tập nâng cao thể trạng mà còn tôi rèn bản lĩnh, sự tự tin trong giao tiếp hằng ngày," Võ sư Phùng Đăng Huấn nhấn mạnh.
Năm 2023, “Võ phái Phùng Gia Việt Nam” do Võ sư Huấn làm Chưởng võ phái chính thức là thành viên của Liên đoàn Võ Cổ truyền Hà Nội, bản thân anh đón nhận Bằng khen của Chủ tịch Liên đoàn Võ Cổ truyền Hà Nội vì sự nghiệp đóng góp xây dựng và phát triển Võ Cổ truyền cho nền Thể thao Việt Nam.
Bắt đầu đào tạo với đối tượng là các môn sinh từ 5 tuổi trở lên, Võ sư Huấn cho biết đây là độ tuổi phù hợp để thế hệ trẻ có thể đạt được sự phát triển toàn diện cả về tầm vóc và tư tưởng.
"Khi còn trẻ, các hệ xương-cơ-khớp còn mềm và dẻo dai, sức chịu đựng tốt sẽ giúp các học viên có những thuận lợi nhất định trong quá trình luyện tập cũng như tiếp thu, hoàn thiện những giá trị về nhân cách con người, về tinh thần 'học võ là học đạo' ngay khi còn nhỏ," Võ sư Huấn nhấn mạnh.
Tại Trung tâm Đào tạo Võ thuật Năng khiếu Việt, các võ sinh sẽ được tham gia các Giải đấu chính thức do các Ban, Ngành, Hiệp hội Võ thuật... tổ chức; được tham gia các kỳ thi nâng đai thường niên của Võ phái.
Với những thành viên đạt thành tích xuất sắc, Trung tâm/Võ phái và Liên đoàn Võ Cổ truyền sẽ tiến hành trao bằng khen đồng thời tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung lực lượng kế cận nhằm hướng tới những giải đấu cấp trung ương, cấp Quốc gia.
Phát huy tinh hoa Võ học Việt Nam
Đam mê và bắt đầu bén duyên với Võ thuật từ năm lên 8 tuổi, Võ sư Phùng Đăng Huấn luôn tâm niệm "Võ đạo" phải lấy đạo đức đi trước, kỹ thuật theo sau. Võ học không chỉ đơn thuần là nghệ thuật chiến đấu mà còn là đạo, là triết lý sống - đây cũng là phương châm hoạt động của Trung tâm/Võ phái do anh sáng lập.
"Võ thuật Cổ truyền là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc ta, được ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Võ Cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài tập nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, khả năng tự vệ của con người mà thông qua việc tập luyện, võ thuật còn khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào về dân tộc, về tinh thần thượng võ và tính nhân văn của con người Việt Nam," Võ sư Huấn chia sẻ về quyết định gắn bó và phát triển Võ Cổ truyền Việt Nam.
Hàng nghìn võ sư, võ sỹ dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều môn thể thao nói chung và võ thuật nói riêng được du nhập vào Việt Nam, Võ sư Phùng Đăng Huấn tin tưởng Võ Cổ truyền Việt Nam vẫn có những lợi thế và dấu ấn riêng để thu hút thế hệ trẻ đồng thời cho biết Liên đoàn Võ Cổ truyền và các Trung tâm đào tạo đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm giữ vững vị thế của môn võ dân tộc.
"Tôi đánh giá việc nhiều môn võ mới đã và đang du nhập vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, giúp chúng ta mở mang thêm nhiều kiến thức về thế giới võ thuật và hoàn thiện hơn môn võ của dân tộc. Cá nhân tôi nhận thấy rằng Võ Cổ truyền với sự biến ảo, đa dạng từ những lối đánh uyển chuyển, linh hoạt đến những thế võ dứt khoát và có sức mạnh không thua kém những môn thể thao của quốc gia khác," Võ sư Huấn nhấn mạnh.
Những năm gần đây, sức ảnh hưởng của Võ thuật Cổ truyền Việt Nam ngày càng được nhân rộng đối với cộng đồng những người yêu võ trong nước và quốc tế, thể hiện qua hàng loạt Đại hội Võ thuật từ các cấp Trung ương đến địa phương...
Với tâm huyết "gieo mầm" tình yêu võ thuật với thế hệ trẻ Việt Nam, các trung tâm đào tạo võ thuật trên cả nước đã và đang nỗ lực để đưa Võ Cổ truyền Việt Nam vào đào tạo và giảng dạy tại một số trường mầm non, tiểu học với hình thức là một môn giáo dục thể chất, giúp các em vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất và đạo đức.
"Hy vọng trong năm mới Giáp Thìn 2024, Trung tâm/Võ phái của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng được quy mô lên hơn 10 võ đường, nhân rộng hệ thống ra khắp các tỉnh thành trên cả nước để góp phần truyền bá những giá trị của Võ thuật Cổ truyền Việt Nam đến với đông đảo cộng đồng những người đam mê võ thuật," Võ sư Phùng Đăng Huấn chia sẻ./.