Khởi đầu tốt giúp ngành dệt may thực hiện mục tiêu 35 tỷ USD

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng ngành dệt may quý 1/2018 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Khởi đầu tốt giúp ngành dệt may thực hiện mục tiêu 35 tỷ USD ảnh 1Dây chuyền sản xuất sợi xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng ngành dệt may quý 1/2018 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là khởi đầu tốt giúp dệt may Việt Nam thực hiện mục tiêu 35 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, dự báo xuất khẩu của ngành dệt may sẽ tiếp tục khả quan.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian qua, mặc dù xuất hiện xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu dệt may sang một số thị trường lân cận có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại vì doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, không lo mất đơn hàng sang các thị trường khác.

["Động lực" để ngành dệt may Việt Nam khởi sắc trong năm 2018]

Một trong những lý do để dệt may có sức cạnh tranh cao là do tay nghề của công nhân trong ngành ngày một nâng cao; năng suất được cải thiện, chất lượng ngày càng tốt hơn và quan trọng là uy tín của doanh nghiệp với các đối tác mua hàng khá tốt. Vì vậy, phần lớn các nhà nhập khẩu đều dành cho Việt Nam các đơn hàng lớn, chỉ chuyển một số đơn hàng nhỏ sang các nước như Myanmar, Campuchia.

Ông Giang cũng cho hay điều đáng mừng là hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang từng bước đầu tư công nghệ mới, thiết bị tự động, nâng cao năng suất. Sau đó, dùng lợi nhuận tái đầu tư cho công nghệ mới nhằm bắt kịp xu hướng phát triển và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng dệt may.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do không chỉ giúp ngành dệt may đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu hụt. Từ chỗ phải nhập khẩu hầu hết nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, hiện mỗi năm, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu trên 3 tỷ USD sợi, gần 1 tỷ USD vải, 400 triệu USD phụ liệu may.

Khởi đầu tốt giúp ngành dệt may thực hiện mục tiêu 35 tỷ USD ảnh 2May hàng xuất khẩu tại Công ty Formostar, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đặc biệt, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi tư duy đầu tư công nghệ của doanh nghiệp, hướng sản xuất đến những phân khúc sản phẩm giá trị cao như ODM (tự thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu, sản xuất, vận chuyển), OBM (tự thiết kế và bán sản phẩm bằng thương hiệu riêng). Theo đó, doanh nghiệp đã dần chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng và công nghệ, thiết bị để thiết kế trên các phần mềm 3D, chào bán mẫu thay vì sản xuất theo mẫu của nhà nhập khẩu như trước kia.

Việc lựa chọn hướng khai thác sâu phân khúc sản phẩm giá trị cao cũng giúp dệt may Việt Nam tiếp tục tạo sự khác biệt trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới và tận dụng lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao.

Song song với việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm phát triển sản phẩm thuộc phân khúc giá trị cao, một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Tổng công ty May 10 đang tiếp cận xu hướng xuất khẩu hàng hóa qua kênh online.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng năm nay sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng nhất định cho quý 2/2018. Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may năm nay sẽ tốt hơn năm 2017, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở hai con số.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, bày tỏ cho dù giá tiếp tục có xu hướng giảm nhưng số lượng đơn hàng sẽ tăng mạnh trong năm nay, nhất là với doanh nghiệp có quy mô lớn, khả năng đáp ứng thời gian giao hàng tốt. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu trong nước đã có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí có có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 3.

Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cảnh báo các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức; trong đó, thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... Bởi trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam các chi phí này đều cao hơn các nước bạn.

Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành dệt may có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30-45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang đề nghị các doanh nghiệp khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề của công nhân, cũng như đổi mới phương thức quản lý qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á-Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ Latinh...; trong đó, cần tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục