Chiều 6/7, tại xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Hungary và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá phối hợp khởi công xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm Viet Avis.
Đây là nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu hiện đại nhất Việt Nam đến thời điểm này.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 60.000m2 với đầy đủ các khu giết mổ, chế biến, phân loại, xử lý, đóng gói sản phẩm, xử lý chất thải… và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 300 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đi vào sử dụng, công suất chế biến giai đoạn 1 của nhà máy đạt 2.500 con/giờ.
Theo lộ trình trình liên kết giai đoạn 2018-2020, tại Thanh Hóa sẽ có khoảng 100 trang trại ở 10 huyện trên địa bàn liên kết cung cấp 12-14 triệu con gà phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Các sản phẩm sau khi chế biến sẽ xuất khẩu sang thị trường các nước EU và châu Âu.
Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia (Thanh Hóa) sẽ phối hợp với Tập đoàn Matster Good (Hungary) đầu tư chuỗi giá trị liên kết từ con giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, xuất khẩu với công nghệ hiện đại nhất hiện nay.
Đặc biệt, gà nguyên liệu cho nhà máy được nuôi theo công nghệ 4A là an toàn đầu tư, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường.
[Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang được kiểm soát tốt]
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong muốn phía Tập đoàn Matster Good (Hungary) và Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia (Thanh Hóa) sẽ cam kết thực hiện đúng tiến độ xây dựng nhà máy và những hợp phần khác về chăn nuôi con giống; đồng thời, 2 bên phối hợp chặt chẽ, chú ý đến vấn đề an sinh xã hội, môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, những năm gần đây chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá cả về chất lượng lẫn quy mô tổng đàn.
Hiện Thanh Hóa có 18,3 triệu con gia cầm, sản lượng giết thịt đạt 36.327 tấn/năm.
Thực hiện đề án tái cơ cấu, Thanh Hóa chuyển đổi theo hướng tăng năng suất chất lượng, nâng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại tập trung áp dụng công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi giá trị liên kết (từ giống, thức ăn, thú ý đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ) gắn với thị trường tiêu thụ.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu nâng tổng đàn gia cầm lên 23 triệu con; trong đó 15 triệu con gà được nuôi bằng công nghệ cao và sản lượng thịt hơi đạt 47.000 tấn, trứng đạt 160.250 triệu quả./.