Khởi công cây cầu hơn 490 tỷ đồng kết nối Bình Dương và Đồng Nai

Dự án cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai có tổng chiều dài 2,8km với 4 làn xe, do Liên danh CIENCO4 và Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư 492 thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Khởi công cây cầu hơn 490 tỷ đồng kết nối Bình Dương và Đồng Nai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: baogiaothong.vn)

Ngày 27/12, tại thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức Lễ khởi công Cầu Bạch Đằng 2 kết nối thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư hơn 490 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, hai tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua một số cây cầu trên các tuyến như cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), câu Hóa An (tuyến Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên vành đai 4, vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa hai tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Vương Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Dương, cho biết dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai là kết quả thống nhất tại cuộc họp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và tổ chức lập báo cáo chủ trương đâu tư dự án xây dựng mới cầu qua sông Đồng Nai.

[Khởi công hai cây cầu giao thông lớn trong thành phố Sóc Trăng]

Cầu bắc qua sông Đồng Nai có tên gọi cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng tại xã Bạch Đằng thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án cùng hai dường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km; trong đó, cầu dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe. Công trình do Liên danh CIENCO4 và Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư 492 thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Tổng mức đầu tư dự án là 490,943 tỷ, bao gồm: vốn xây lắp, giải phóng mặt bằng... từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết việc có thêm cây cầu Bạch Đằng 2 là sự mong mỏi của cả người dân và lãnh đạo hai tỉnh. Tỉnh Đồng Nai hy vọng, phía bên tỉnh Bình Dương sẽ quản lý và thực hiện thi công công trình để đưa dự án vận hành đúng tiến độ và nhanh nhất.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền 2 xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai). Theo quy hoạch, khu vực giáp ranh hai tỉnh còn thêm hai cầu bắc qua sông Đồng Nai được triển khai thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục