Khoảng lặng trước bão COVID-19 ở đất nước hiếm hoi chưa có ca nhiễm

Quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương là một trong số ít những nơi không có ai mắc COVID-19 tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, người dân ở đây đều nhận thức rất rõ về sự khó khăn nếu đại dịch lan tới.
Vanuatu đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để cố gắng bảo vệ đất nước khỏi COVID-19. Đây là một trong số ít các quốc gia còn lại trên thế giới mà không có trường hợp nhiễm virus nào. (Nguồn: The Guardian)
Vanuatu đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để cố gắng bảo vệ đất nước khỏi COVID-19. Đây là một trong số ít các quốc gia còn lại trên thế giới mà không có trường hợp nhiễm virus nào. (Nguồn: The Guardian)

Quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương là một trong số ít những nơi không có ai mắc COVID-19 tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, người dân ở đây đều đang nhận thức rất rõ về sự khó khăn nếu đại dịch lan tới, đặc biệt khi phải cùng lúc đối mặt với một cơn bão.

Vanuatu, với dân số chỉ khoảng 300.000 người, cách Australia 1.800km - là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm COVID-19. Các quốc gia cùng khu vực châu Đại dương như Palau, Quần đảo Solomon, Tonga và Samoa hiện cũng đang được bảo vệ trước đại dịch nhờ sự biệt lập như vậy. Nhưng cũng chính sự xa xôi, thu nhập thấp cùng cơ sở hạ tầng y tế yếu kém có thể đặt các quốc gia này vào tình thế nguy hiểm nếu virus xâm nhập.

Hơn nữa, Vanuatu cũng là một trong những nước dễ tổn thương nhất bởi thiên tai và hiện nước này cũng đang chịu ảnh hưởng từ hậu quả của cơn bão nhiệt đới số 5 ở châu Đại Dương.

Thực tế, có 62 người Vanuatu phải cách ly sau khi hồi hương. Họ cũng trở thành những người cuối cùng bước chân vào đất nước này trước khi hãng không quốc gia Air Vanuatu ngừng hoạt động vô thời hạn do đại dịch.

Bà Ariitaimai Salmon, giám đốc điều hành và quản lý khách hàng của Au Bon Marche, chuỗi siêu thị lớn nhất của đất nước, phải liên tục thuyết phục người dân rằng nhu yếu phẩm có đủ để cung cấp cho tất cả mọi người.

Au Bon Marche là một trong số ít các công ty đã sống sót sau các tác động ban đầu của dịch COVID-19. Vì lĩnh vực khách sạn và du lịch chiếm 40% GDP của Vanuatu, những người trong ngành bày tỏ sự lo lắng về tình cảnh hiện nay.

Nhiều nhà hàng và khách sạn đã tự nguyện đóng cửa, một số vẫn cố gắng hoạt động trong giới hạn của chính phủ, đóng cửa lúc 7 giờ 30 - trước giờ giới nghiêm, người dân bị cấm ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.

Khoảng lặng trước bão COVID-19 ở đất nước hiếm hoi chưa có ca nhiễm ảnh 1Mặc dù quốc gia Thái Bình Dương này là một trong số ít các quốc gia còn lại trên thế giới chưa có ca nhiễm, song nỗi sợ COVID-19 đang treo lơ lửng trên đất nước này. (Nguồn: The Guardian)

Dọc theo con phố chính của thủ đô Port Vila, trạm rửa tay đã được đặt bên ngoài các cửa hàng, ngân hàng và nhà hàng, hầu hết chúng đều chỉ là những hộp nhựa lớn và một vòi nước di động do chính địa điểm đó cung cấp.

Giống như các dịch vụ khác, các quán bar, nơi phục vụ món nước kava truyền thống cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Giờ đây những quán bar này chỉ được bán cho khách mang về.

"Một số khách hàng muốn tôi mở cửa và có thể đến uống kava tại chỗ, nhưng tôi phải giải thích là không thể. Cảnh sát sẽ kiểm tra để đảm bảo chúng tôi và các khách hàng tuân thủ đúng quy tắc," ông Java, một chủ quán chia sẻ.

Kalfau Moli, một nghị sỹ quốc hội, đã lên được chuyến bay cuối cùng từ đảo Malo tới Port Vila trước khi mọi hoạt động du lịch liên đảo bị đình chỉ.

Ông thừa nhận đất nước không có đủ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nếu dịch tràn vào. "Chúng tôi thậm chí không có nước để rửa tay,” ông chỉ ra rằng tình trạng này đang tồn tại ở khu vực phía đông Malo và làng Whitesands trên đảo Tama.

Hiện tại bệnh viện trung tâm Vila lớn nhất Vanuatu đang chuyển đổi phòng bệnh lao của mình thành phòng cách ly nhưng vẫn chỉ có 20 giường trong toàn bộ bệnh viện.

"Nếu một bệnh nhân rơi vào tình trạng phức tạp, chúng tôi chỉ có hai máy thở có sẵn trên toàn quốc," ông Russel Tamata, phát ngôn viên chính của nhóm cố vấn COVID-19 của chính phủ Vanuatu cho hay.

Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ cung cấp thiết bị và vật tư vào cuối tháng 4 để Vanuatu xây dựng một đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Port Vila, trong đó bao gồm các máy thở.

“Chúng tôi có khoảng 60 bác sỹ, nhưng hầu hết trong số họ mới tốt nghiệp và gần đây chúng tôi mới có thêm y tá thứ ba từ Quần đảo Solomon để phục vụ trên sáu tỉnh do thiếu nhân lực." Do thiếu y tá địa phương, Vanuatu đã thuê thêm người từ Quần đảo Solomon từ giữa năm 2019.

Khoảng lặng trước bão COVID-19 ở đất nước hiếm hoi chưa có ca nhiễm ảnh 2Vanuatu đã đưa ra các biện pháp rửa tay, bao gồm tại các chợ thực phẩm, cũng như giờ giới nghiêm là 9 giờ tối và giới hạn trong các cuộc tụ họp không quá năm người. (Nguồn: The Guardian)

Ông Tamata nói rằng một trong những thách thức lớn nhất là quản lý thông tin sai lệch. Khi Vanuatu tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần vào ngày 26/3, các cơ quan truyền thông được lệnh chỉ đưa tin bài khi nhận được ủy quyền từ Văn phòng Quản lý Thiên tai Quốc gia (NDMO).

"Có rất nhiều từ ngữ khoa học không thể dịch sang tiếng Bislama (ngôn ngữ chính thức của Vanuatu) và rất dễ bị hiểu sai. Điều quan trọng là biết cách quản lý sự hiểu biết của mọi người trong thời gian này, vì nỗi sợ hãi có thể gây cản trở," ông Tamata nói.

Trong khi đang chuẩn bị chống dịch, đất nước này phải hứng chịu cơn bão nhiệt đới số 5, cơn bão Harold.

Thống kê thiệt hại của cơn bão vẫn chưa rõ ràng, nhưng hình ảnh từ các đảo Espiritu Santo và quần đảo Malo cho thấy các ngôi làng đều đã bị tàn phá bởi cơn bão.

Các biện pháp nghiêm ngặt được đưa ra để đối phó với Covid-19 đột nhiên bị hủy bỏ bởi thảm họa. Các quy tắc cấm tụ tập trên năm người phải được nới lỏng vì mọi người phải tập trung thành một nhóm lớn để trú ẩn trong các trung tâm sơ tán hàng loạt.

Vanuatu đã quen với các thảm họa - nó được xếp hạng là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới dưới tác động của các thảm họa tự nhiên - và chỉ trong tuần qua, NDMO của Vanuatu đã đồng thời phải đối phó với cả lũ lụt lẫn tro bụi núi lửa.

Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác, bao gồm cả thủ tướng của Fiji, hiện đang có 16 trường hợp nhiễm COVID 19 cùng với tác động của cơn bão Harold, cảnh báo rằng Thái Bình Dương sẽ cần sự giúp đỡ của quốc tế để phục hồi sau cơn bão.

Ông nhận định đây là thời điểm tồi tệ nhất để đón một cơn bão. “Các chuyến bay bị cấm, nhân viên cứu trợ nước ngoài đã rút về nước và nguồn cung cấp y tế thì có hạn. Thế giới phải sẵn sàng hỗ trợ, ứng phó cùng chúng tôi khi mà bây giờ, thảm họa đang ở rất gần rồi.”

Nhưng phát ngôn viên Tamata lại tỏ ra lạc quan hơn về cơ hội chống bùng dịch của Vanuatu, bất chấp những thách thức khác mà đất nước phải đối mặt.

"Chúng tôi coi COVID-19 là một mối đe dọa, nhưng nó cũng là một phước lành", ông này nói. Ông cũng cho rằng việc hô hào rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân đã cũ và giờ đây trong bối cảnh này, “chúng tôi đã nhận ra tầm quan trọng của nó. Chúng tôi đã nhận ra những lỗ hổng trong luật pháp của mình, đặc biệt là các đạo luật về sức khỏe cộng đồng và nhập cư, và chúng tôi đã trưởng thành trong cách chúng tôi đưa ra quyết định... Trong khi COVID-19 vẫn ở Thái Bình Dương, nó vẫn sẽ một mối đe dọa cho Vanuatu, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục