Khoảng 86% lao động dệt may, da giày có thể mất việc vì tự động hóa

Theo một nghiên cứu của ILO, công nghệ đang thay đổi thị trường việc làm, có tới 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa.
Khoảng 86% lao động dệt may, da giày có thể mất việc vì tự động hóa ảnh 1Ngành điện tử là một trong những ngành có xu hướng thay thế lao động bằng robot. (Ảnh minh hoạ: Thanh Long/TTXVN)

Ưu tiên cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động là một nhiệm vụ quan trọng khi Việt Nam đối mặt với những thay đổi về bản chất công việc trong thời đại công nghệ. Xu hướng những lao động tay nghề thấp có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa đang diễn ra và sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới.

Đây là một phần lời giải cho câu hỏi lớn “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” – chủ đề của Đối thoại chính sách quốc gia lần đầu tiên về Việc làm trong thời gian tới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức vào ngày 13/12 tại Hà Nội.

Lao động sẽ mất việc vì robot

Hai ngành sản xuất chủ đạo và đang tăng trưởng của Việt Nam là ngành dệt may, da giày và ngành chế tạo các sản phẩm điện, điện tử là tâm điểm của câu chuyện về công nghệ sẽ thay đổi việc làm như thế nào.

Theo nghiên cứu mới của ILO “ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi: Công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp như thế nào” thì có tới 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện, điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Đây là những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ngành dệt may, da giày có đặc điểm chủ yếu là thâm dụng lao động và kỹ năng tay nghề thấp. Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách báo động, chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia.

Trong khi đó, không như tên gọi của ngành, ngành sản phẩm điện, điện tử của Việt Nam cũng hướng tới sản xuất có giá trị thấp và các công việc lắp ráp kỹ năng thấp.

Trong bối cảnh đó, công nghệ sẽ tạo ra các cơ hội đáng kể để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, cải thiện năng lực cạnh tranh và điều kiện làm việc. Nghiên cứu của ILO cho thấy Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như ở một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN bởi giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ.

Ông David Lamotte, Phó Giám đốc ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhận định: “Chắc chắn trong những năm tới sẽ có sự chuyển dịch vì chi phí công nghệ sẽ giảm trong khi chi phí lao động tăng lên.”

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cũng thừa nhận: “Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.”

Bà Đào Hồng Lan cho biết dự đoán lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu năm 2025. Do đó, để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.00 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.

Khoảng 86% lao động dệt may, da giày có thể mất việc vì tự động hóa ảnh 2Ngành dệt may đang đứng trước những thách thức về đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Doanh nghiệp sẽ cần kỹ năng gì?

Các phát hiện ban đầu của nghiên cứu “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới”i được thực hiện bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho thấy nhu cầu về kỹ năng mà doanh nghiệp cần bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai để người lao động tham khảo.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, đối với các doanh nghiệp, việc thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng hơn. Các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình đào tạo để có thể đạt được.

Trong khi đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hầu như chỉ dừng lại ở hình thức doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập, và sự hợp tác trong quá trình phát triển giáo trình và học liệu và xây dựng kế hoạch đào tạo lao động có kỹ năng còn tương đối yếu. 38% số các doanh nghiệp được khảo sát, cho biết họ chưa bao giờ tham gia các hoạt động hợp tác này.

Thực trạng kỹ năng nghề không phù hợp với thị trường lao động cũng được chỉ ra trong Báo cáo xu hướng thị trường lao động Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với tựa đề “Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi: kỹ năng nghề và năng suất trên thị trường lao động”.

Theo báo cáo này, các doanh nghiệp trong nước đánh giá lạc quan hơn về giáo dục phổ thông và đào tạo nghề so với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn so với doanh nghiệp trong nước trong vấn đề tuyển dụng lao động, đặc biệt là đối với các công việc kỹ thuật và quản lý.

Các chuyên gia ILO cho rằng Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ.

Khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học sẽ là việc quan trọng bởi người lao động theo học các ngành khoa học này thường được người sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất tìm kiếm.

Ông David Lamotte nhấn mạnh: “Điều này rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bạn nữ trẻ, bởi phụ nữ dễ bị nguy cơ mất việc hơn nam giới khi tự động hóa trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.”

“Khi ứng phó với bản chất thay đổi của việc làm, tất nhiên là chúng ta có thể thụ động và đón nhận tương lai như vốn có với cả điểm tốt và không điểm tốt. Thế nhưng, còn một con đường nữa, như ILO tin rằng chúng ta có thể chủ động và tạo ra tương lai mà chúng ta mong muốn.” ông David Lamotte nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục