Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các xét nghiệm kháng thể COVID-19 trong máu được hiến tặng cho thấy khoảng 73% người Canada đã nhiễm virus SARS-CoV-2 vào một thời điểm nào đó.
Theo các xét nghiệm này, khoảng 60% người cao tuổi đã nhiễm virus SARS-CoV-2, so với 88% ở những người từ 17-24 tuổi.
Phó Giám đốc về dịch tễ học và giám sát tại Canadian Blood Services (một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, được thành lập với tư cách cơ quan cung cấp máu của Canada ở các tỉnh và vùng lãnh thổ, trừ Quebec), bà Sheila O’Brien, cho rằng sự khác biệt về tỷ lệ lây nhiễm có thể phản ánh hành vi và lối sống của người dân.
[Canada đang đối mặt với khủng hoảng y tế cực kỳ nghiêm trọng]
Nhiều người lớn tuổi làm việc tại nhà, có thể đã nghỉ hưu hoặc thận trọng hơn trong việc giao tiếp. Người cao tuổi cũng có xu hướng tiêm vaccine nhắc lại thường xuyên hơn và đeo khẩu trang.
Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường tương tác, giao lưu với nhiều người khác (ở trường học, nhà hàng, quán bar,...) hay thông qua hoạt động thể thao...
Các xét nghiệm từ những người hiến máu (thuộc nhiều độ tuổi và các thành phần kinh tế-xã hội khác nhau) cho thấy hầu hết đã nhiễm biến thể Omicron của SARS-CoV-2.
Bà O’Brien cho biết trước khi Omicron trở thành biến thể chủ đạo vào tháng 1/2022, chỉ có khoảng 5% người Canada nhiễm virus.
Cơ quan Y tế Công cộng Canada mới đây xác nhận hơn 50.000 người Canada đã tử vong do COVID-19.
Đáng chú ý, trong nhóm những người bị phân biệt chủng tộc và cộng đồng người bản địa, tỷ lệ mắc COVID-19 lên đến 81%.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng, tình trạng này phản ánh sự bất bình đẳng về y tế và các yếu tố kinh tế và xã hội, chẳng hạn thu nhập, giáo dục, việc làm và nhà ở.
Chuyên gia David Buckeridge, phụ trách mảng phân tích và quản lý dữ liệu của Tổ công tác về miễn dịch COVID-19, cho biết mức độ lây nhiễm đã chậm lại vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, ông cảnh báo sẽ khó dự đoán liệu xu hướng này có tiếp tục hay không khi virus đang biến đổi./.