Khoảng 64% cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vòng 1

Theo danh sách công bố, vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp sẽ có sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 người năm 2022. 

Ápphích của các ứng cử viên địa phương cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp Pháp năm 2024 tại tòa thị chính địa phương ở Port-en-Bessin-Huppain, Normandy, Pháp. (Ảnh: Reuters)
Ápphích của các ứng cử viên địa phương cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp Pháp năm 2024 tại tòa thị chính địa phương ở Port-en-Bessin-Huppain, Normandy, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 30/6, người dân Pháp đi bầu cử Quốc hội vòng 1.

Từ sáng sớm, nhiều cử tri đã đến các địa điểm để bỏ phiếu, cho thấy sự quan tâm của người dân đối với cuộc bầu cử lập pháp sớm lần này.

Kết quả thăm dò dư luận do Ifop thực hiện cho thấy ước tính sẽ có khoảng 64% số cử tri đi bỏ phiếu tại vòng 1, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 51,5% tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra và 47,5% tại vòng 1 bầu cử lập pháp năm 2022.

Theo danh sách công bố, vòng 1 bầu cử sớm sẽ có sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 người năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội vừa giải tán không có thời gian để tìm chọn ứng cử viên.

Các đại biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, bỏ phiếu đơn danh và hai vòng, thay vì theo danh sách như bầu cử Nghị viện châu Âu.

Để thắng cử ngay từ vòng một, ứng cử viên phải đạt được từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử.

Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai.

Bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử, cũng đều được vào vòng hai để lấy đủ 577 nghị sỹ dân biểu.

Phe đa số quá bán của Quốc hội, về cơ bản sẽ quyết định thành phần chính phủ và công việc quản trị đất nước.

Trong chiến dịch tranh cử, ba khối chính trị lớn nhất, gồm phe đa số sắp mãn nhiệm, phe cực hữu của đảng Tập hợp Quốc gia và phe cánh tả của Mặt trận Bình dân mới, đều lấy chủ đề cải thiện sức mua làm ưu tiên hàng đầu cho dù mỗi đảng đề xuất biện pháp thực hiện khác nhau.

Trong khi các cam kết của phe đa số được đánh giá là phù hợp với thực tế, thì các đề xuất của phe cực hữu và phe cánh tả đã ít nhiều gây nghi ngại cho giới quan sát do có nhiều khúc mắc về nguồn tài chính để hiện thực hóa.

Mặc dù vậy, phe đa số cũng không tạo được đột phá nào để cải thiện vị trí. Theo các cuộc thăm dò, cho đến trước ngày bầu cử, liên minh “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Macron vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ ba, sau đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu và liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới.

Để ngăn chặn các đối thủ, phe của Tổng thống Macron đã quyết định không tham gia tranh cử tại 65 khu vực mà các ứng cử viên của khối này không có cơ hội giành chiến thắng. Phe đa số muốn thúc đẩy cuộc bỏ phiếu hữu ích và tạo cơ hội cho các ứng cử viên là đối thủ của đảng Tập hợp Quốc gia và Mặt trận Bình dân mới.

Cuộc bầu cử sớm tại Pháp diễn ra trong thời điểm đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đang suy yếu nghiêm trọng và được đánh giá là không đủ khả năng để ngăn chặn đảng Tập hợp Quốc gia bước vào vòng hai với một lực lượng được dự báo là đông đảo chưa từng có.

Mặc dù còn nhiều điều chưa chắc chắn do phụ thuộc vào một vài yếu tố, nhưng có vẻ như phe của Tổng thống Macron sẽ không có một sự khởi đầu suôn sẻ để tạo đà cho vòng bầu cử thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 7/7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục