Khoảng 40.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm bệnh của mình

Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết đã nhiễm HIV và đây chính là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.
Bác sỹ thăm khám bệnh nhân AIDS. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 14/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã chia sẻ về các điểm mới, sự cần thiết của việc ban hành Chiến lược trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, có trên 100.000 người nhiễm HIV đã tử vong, 100% tỉnh, thành phố và 98% số quận, huyện đã phát hiện người nhiễm HIV.

Và hiện mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong cộng đồng vẫn còn ở mức 6%.

- Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Chiến lược?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long: Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Chúng ta đã đã được nhiều thành tựu quan trọng được thế giới ghi nhận.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu “3 giảm,” đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

[Tạo cơ sở pháp lý toàn diện nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV]

Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS.

Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt 2 Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Như vậy cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu to lớn này.

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người nhiễm HIV. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Bên cạnh đó, các giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, trong đó có thay đổi về tình hình dịch HIV/AIDS, lây truyền HIV qua đường tình dục đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh nhiễm mới HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới, cũng như những tiến bộ của khoa học trong các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả dự phòng, xét nghiệm, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS.

Chiến lược Quốc gia được xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS thống nhất trên toàn quốc phù hợp với bối cảnh từng địa phương.

Chiến lược quốc gia được phê duyệt cũng thể hiện sự cam kết rất lớn của Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS và với cộng đồng quốc tế, cùng nhau hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

- Ông có thể cho biết những điểm mới của Chiến lược lần này so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long: Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 có sự kế thừa các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn đến năm 2020, đồng thời có sự điều chỉnh, cập nhật và bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay và giai đoạn 2021-2030.

Dịch HIV/AIDS có sự thay đổi về nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng, đặc biệt là trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM); các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm, giai đoạn tới phải chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước; mạng lưới tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các địa phương được sáp nhập, lồng ghép vào hệ thống y tế dự phòng...

Chiến lược đưa ra mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mục tiêu to lớn này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nói trên, đồng thời cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, có sự kế thừa từ Chiến lược giai đoạn 2011-2020, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình mới, gồm đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường các biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP); bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV; mở rộng điều trị, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS...

Chiến lược cũng bổ sung các biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra), xác định các trường hợp mới nhiễm HIV để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời.

Các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.

- Các giải pháp chính để thực hiện Chiến lược là như thế nào thưa ông?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long: Để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu, trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cũng đã đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu như sau:

Nhóm giải pháp về chính trị xã hội, đây là một trong những nhóm giải pháp quan trọng, trong đó cần tăng cường thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm giải pháp này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của địa phương và tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng bao gồm cả cộng đồng người nhiễm HIV trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách: Mặc dù có thể nói Việt Nam đã có một hệ thống pháp lý về phòng, chống HIV/AIDS khá đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lại có những vấn đề phát sinh nên cần được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật và chế độ chính sách phù hợp.

Hiện nay, Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan; đồng thời cần tăng cường tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, cũng như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Các nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật như Dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; mở rộng và nâng cao chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV; tăng cường điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng để đảm bảo cho mọi người có khả năng tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khi cần thiết.

Các nhóm giải pháp này được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình dịch HIV/AIDS và những tiến bộ khoa học về phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.

Các nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính; về nguồn nhân lực; về cung ứng thuốc, sinh phẩm thiết yếu và hợp tác quốc tế sẽ là các giải pháp quan trọng cho việc triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.

Nếu thực hiện tốt 11 nhóm giải pháp được đề ra trong Chiến lược Quốc gia, chúng ta có nhiều cơ hội để thực hiện được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

- Những khó khăn nào khi triển khai Chiến lược và hướng giải quyết trong thời gian tới được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long: Với mục tiêu Chiến lược đặt ra là “Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030,” có thể nói đây là mục tiêu khá tham vọng. Do vậy theo tôi, một số khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai Chiến lược đó là:

Thứ nhất là khó khăn về nhận thức, không thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thực tế thời gian gần đây đã có một số người, một số địa phương đã có sự lơ là, chủ quan và cho rằng chúng ta đã kiểm soát tốt dịch HIV/AIDS rồi nên không cần quá quan tâm hay đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nữa, trong khi các chuyên gia đều cảnh báo dịch HIV có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là.

Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Khó khăn thứ hai là tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát.

Như chúng ta đã biết cho đến nay thế giới chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn.

Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của họ, họ có thể vẫn đang rất khỏe mạnh, chính vì vậy họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.

Khó khăn thứ ba là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Có thể nói 30 năm qua chúng ta đã có sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn tới, nguồn này cắt giảm mạnh.

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn trung ương và địa phương. Như chúng ta biết với khoảng 250.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam thì nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây truyền HIV ra cộng đồng, điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV liên tục mà có thể nói suốt đời và chăm sóc hỗ trợ cho họ chắc chắn sẽ là một thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả vấn đề tài chính.

Trong Chiến lược cũng đã có các giải pháp mang tính kỹ thuật để vượt qua các khó khăn này như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương...

Tôi cho rằng chúng ta còn sự cam kết và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước. Chúng ta cũng có kinh nghiệm 30 năm đối phó với dịch HIV/AIDS mà cụ thể là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn thách thức và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục