Các quan chức Liên hợp quốc ngày 19/11 đã nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc cung cấp hệ thống nhà vệ sinh cho 1/3 dân số thế giới vốn đang thiếu hệ thống vệ sinh riêng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva nhân kỷ niệm "Ngày nhà vệ sinh Thế giới", Đại diện thường trực của Singapore tại Liên hợp quốc , Karen Tan cho biết khoảng 2,5 tỷ người hiện chưa được tiếp cận với hệ thống vệ sinh cải tiến và có tới 1 tỷ người vẫn còn đi vệ sinh bừa bãi.
Trong tháng 7, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua giải pháp mang tên "nhà vệ sinh cho tất cả mọi người" và quyết định chọn ngày 19/11 là ngày "Nhà vệ sinh Thế giới" nhằm tán thành việc cung cấp đủ hệ thống vệ sinh cho hàng tỷ người đang sống trong điều kiện vệ sinh kém, cũng như 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì những biến chứng liên quan tới điều kiện sống mất vệ sinh.
Therese Dooley- cố vấn cấp cao về vấn đề vệ sinh của Qũy nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 400 trẻ em thiệt mạng mỗi ngày trên thế giới là cái giá phải trả cho việc thiếu nhà vệ sinh riêng.
Theo ông Dooley, "vệ sinh bừa bãi" được ví như "kẻ giết người thầm lặng", theo đó cộng đồng quốc tế cần tuyên truyền về tầm quan trọng của nhà vệ sinh cơ bản đối với ý thức của người dân. Vấn đề vệ sinh không chỉ là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em, mà còn là nhân tố ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tổng thể của trẻ.
Hiện Liên hợp quốc đang tích cực hành động tại khoảng 90 quốc gia về vấn đề vệ sinh với nhiều công việc khác nhau. Từ khi thực hiện Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), ngày càng có nhiều người dân nghèo trên thế giới được tiếp cận tới hệ thống vệ sinh cơ bản.
Trong bản bảo cáo về hệ thống nhà vệ sinh và vấn đề vệ sinh cho phụ nữ và bé gái với tựa đề "Chúng ta không thể đợi" do Tổ chức phi lợi nhuận WaterAid hợp tác với Liên hợp quốc vừa phát hành nhấn mạnh rằng những tiến bộ đáng kể đang là động lực để thực hiện được những mục tiêu trên.
Mục tiêu MDG thứ 7 (Đảm bảo sự bền vững của môi trường) là đến năm 2015, sẽ giảm đi một nửa tỷ lệ dân số chưa được tiếp cận ổn định với nguồn nước an toàn và hệ thống vệ sinh căn bản./.