Khoảng 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng ở sông, hồ và biển

Theo Chương trình Môi trường của LHQ, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng 1 lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng 1 lần được tái chế.
Rác thải nhựa tràn ngập tại hồ Suchitlan ở El Salvador. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Thế giới cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa" là kêu gọi của ông Eirik Lindebjerg, phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), trước thềm các sự kiện Ngày Môi trường Thế giới 2023 và cuộc đàm phán của Liên hợp quốc tại Paris (Pháp) về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Lindebjerg cho biết Ngày Môi trường Thế giới năm nay có chủ đề “Ô nhiễm nhựa và các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhựa," đồng thời nhấn mạnh đây là “một trong những cuộc khủng hoảng môi trường đang gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu."

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.

[Việt Nam đồng hành cùng quốc tế giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa]

Cuộc đàm phán về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa nhằm phát triển công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, sẽ được Liên hợp quốc tổ chức tại Paris (Pháp) từ ngày 29/5-2/6.

Ông Eirik Lindebjerg cho biết đây là cuộc họp cuối cùng trước khi các nước thành viên Liên hợp quốc bước vào thảo luận văn bản pháp lý, vì vậy điều quan trọng là các chính phủ cần tham gia cuộc họp với tham vọng lớn và sẵn sàng đưa ra các quy định toàn cầu cụ thể.

Ông Lindebjerg kêu gọi đàm phán cần tập trung vào các chi tiết nhằm giải quyết hiệu quả và công bằng vấn đề ô nhiễm nhựa.

Ông nói: "WWF kêu gọi một hiệp ước có thể cấm hoặc nhanh chóng loại bỏ dần các loại nhựa, sản phẩm, hóa chất, phụ gia có nguy cơ cao nhất khỏi chuỗi sản xuấ."

Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái sử dụng và tái chế không độc hại trên quy mô lớn, cũng như vai trò quan trọng của các cơ chế hỗ trợ thích đáng cho việc thực thi hiệp ước, như hỗ trợ tài chính và hợp tác kỹ thuật.

Dự kiến các cuộc thương lượng về hiệp ước trên sẽ hoàn tất vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục