Khoảng 10 nghìn tên sách với hàng vạn bản sách đang được giới thiệu tại Hội sách “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình” (diễn ra từ ngày 26/9-2/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Lễ khai mạc hội sách đã chính thức diễn ra tối 26/9.
Điểm nhấn của chương trình là biểu tượng Khuê Văn Các được xếp bằng sách tại chính giữa trục hoàng đạo của sân Hoàng Thành Thăng Long.
Hội sách là nơi hội tụ, giới thiệu và bán các loại sách, ấn phẩm với 112 gian hàng của 45 nhà xuất bản, công ty sách trên cả nước (như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông…) với mức giá ưu đãi (giảm từ 5-50% so với giá bìa).
Các loại sách và sản phẩm được bán, giới thiệu bao gồm nhiều thể loại: sách thiếu nhi, sách văn học, sách kinh tế, sách khoa, sách điện tử và thiết bị số…
Bên cạnh đó, hội sách còn có các không gian trưng bày, giới thiệu sách theo bảy chuyên đề chính: “Thăng Long xưa-Hà Nội nay,” “Hành trình của sách,” “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội,” “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng,” “Hà Nội với biển đảo quê hương,” “Sách hay-Sách đẹp.”
Cùng với đó, 17 chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các học giả, văn nghệ sỹ nổi tiếng (như giáo sư Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, nhà văn-họa sỹ Đỗ Phấn…) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hội sách.
Trong thời gian diễn ra hội sách, ban tổ chức sẽ tiến hành quyên góp sách để tặng các thư viện trường học, các điểm bưu điện văn hóa xã khó khăn trên địa bàn Thành phố Hà Nội và chiến sỹ, nhân dân tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Với mục đích tạo ra một không gian văn hóa ấn tượng, hấp dẫn và phong phú phục vụ mọi đối tượng bạn đọc, hội sách còn có một số hoạt động bên lề như: viết thư pháp, khắc dấu gỗ, trang trí bookmarks, càphê sách…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định: Sách là nguồn tri thức vô giá, công cụ sáng tạo và nhận thức thế giới.
Trong lịch sử phát triển của Hà Nội, sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Hội sách ‘Hà Nội-Thành phố vì hòa bình’ là sự kiện văn hóa có ý nghĩa thiết thực chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Chương trình được tổ chức không chỉ với mục đích tôn vinh văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô mà còn nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Hà Nội. Hội sách năm nay là tiền đề để tổ chức hội sách Hà Nội thường niên,” ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.
Hội sách “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) và 15 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999-2014).
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chủ trì; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội... tổ chức hội sách.
Hội sách kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 2/10./.
Một số chương trình giao lưu, tọa đàm tại Hội sách “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình”:
1 - Giao lưu với tác giả người Pháp Nicolas Ancion, nói chuyện với chủ đề "Văn học ngày nay còn ích gì?".
Diễn giả: tác giả Ancion, nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu.
Thời gian: 10h thứ Bảy, 27.9.
Địa điểm: Sân khấu Hội thảo mini trong nhà.2 - Cùng tự làm mỹ phẩm (nhân dịp ra mắt cuốn sách "Tự làm mỹ phẩm")
Diễn giả: hai tác giả Anh Thư và Thu Giang
Thời gian: 18h thứ Bảy, 27.9
Địa điểm: Gian hàng Nhã Nam3 - Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm "Sử ký" (tập 1) của Tư Mã Thiên.
Diễn giả: dịch giả Trần Quang Đức, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương.
Thời gian: 10h Chủ Nhật, 28.9
Địa điểm: Sân khấu Hội thảo mini trong nhà.4 - Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm "Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương" của nhà văn Haruki Murakami.
Diễn giả: dịch giả Lương Việt Dũng, Phạm Xuân Nguyên, Lê Quang, Dương Tường.
Thời gian: 16h Chủ Nhật, 28.9.
Địa điểm: Gian hàng Nhã NamCHƯƠNG TRÌNH KÝ TẶNG SÁCH:
Địa điểm: Gian hàng Nhã Nam.- 15h, ngày 29.9: Nhà thơ Phan Huyền Thư ký tặng tập thơ Sẹo độc lập.
- 15h, ngày 30.9: Nhà nghiên cứu-dịch giả Trần Quang Đức ký tặng tập 1 bản dịch tiếng Việt Sử ký.
- 19h, ngày 30.9: Dịch giả Tae Woo ký tặng bản dịch tiếng Việt Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ.
- 10h, ngày 1.10: Hai dịch giả Nguyễn Tú Uyên và Quân Ngạn ký tặng tập 1+2 bản dịch tiếng Việt Long Duyên.