Khoản nợ vẫn "treo" lơ lửng trên dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng?

Những cam kết, hỗ trợ của Nhà nước về chi phí giải phóng mặt bằng, khoản vay từ ngân hàng của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính.
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu tháng 12/2015. Tuy nhiên, những cam kết hỗ trợ của Nhà nước về khoản chi phí giải phóng mặt bằng, tái cơ cấu các khoản vay từ ngân hàng nước ngoài đối với dự án này đến nay vẫn chưa được thực hiện đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phá vỡ phương án tài chính của dự án khi khoản nợ vẫn “treo lơ lửng” trên đầu nhà đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).

Theo báo cáo của VIDIFI, hiện nay, sau hơn ​8 tháng thông xe, khai thác toàn tuyến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã phát huy được hiệu quả. Lưu lượng xe bình quân hàng ngày trên tuyến đường cao tốc hiện nay đạt khoảng 16.000 lượt xe, chiếm khoảng 40-50% tổng lưu lượng xe trên tuyến giao thông đường bộ Hà Nội-Hải Phòng.

Mặt khác, tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã giảm tải đáng kể lưu lượng xe cho tuyến Quốc lộ 5, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để đảm bảo tính khả thi, hoàn được vốn đầu tư cho nhà đàu tư, phương án tài chính của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Theo đó, trong Quyết định 746/QĐ-TTg nêu rõ, phần tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án tối đa bằng 39% tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, hiện nay, các khoản hỗ trợ nêu trên của Nhà nước đối với dự án đều chưa được thực hiện.

Cụ thể, đối với tái cơ cấu khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức KFW, tại Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2015, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp đối với khoản vay 100 triệu USD nêu trên. Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xác định được hình thức chuyển đổi, chưa được bố trí kế hoạch ngân sách để hỗ trợ.

Đối với chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (giải phóng mặt bằng) tại dự án của các địa phương là 4.069 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án. Đến nay, khoản hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng này chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

“Nếu Nhà nước không bố trí kịp thời vào kế hoạch các khoản hỗ trợ nêu trên, sẽ có ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với dự án, thậm chí phá vỡ phương án tài chính, phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng dự án do các nhà đầu tư đã tạm dừng, không tiếp tục các bước đàm phán vì cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng,” đại diện VIDIFI nhấn mạnh.

Khẳng định khoản tiền vay 100 triệu USD và chi phí giải phóng mặt bằng (4.069 tỷ đồng) là số tiền rất lớn đối với dự án, đại diện VIDIFI cho biết, hiện nay Tổng công ty vẫn đang vay và trả lãi vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất khoảng 11%/năm. Riêng khoản tiền lãi vay cho khoản tiền giải phóng mặt bằng mà VIDIFI phải trả cho 8 năm qua đã lên tới 1.047 tỷ đồng.

Hiện tại, phía VDB cũng phải tạm bố trí, huy động các nguồn vốn khác để cân đối nguồn vốn cho vay và trả lãi đối với các khoản vay nói trên trong khi Nhà nước chưa thực hiện hỗ trợ.

Bên cạnh đó, phía VIDIFI cũng tiết lộ, trong thời gian vừa qua, các nhà đầu tư Ấn Độ, Nhật Bản và một số nhà đầu tư trong nước đã quan tâm, đàm phán để chuyển nhượng một phần dự án. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư đã tạm dừng, không tiếp tục các bước đàm phán chi tiết, cụ thể hơn do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746/QĐ-TTg chưa có lộ trình, kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Do đó, VIDIFI đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải) quan tâm, xem xét, giúp đỡ, sớm bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án (khoảng 4.069 tỷ đồng) và tái cơ cấu khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức KFW để phương án tài chính dự án không bị đổ vỡ, đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư của dự án./.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đoạn từ nút giao với đường Phạm Văn Đồng đến nút giao với đường Lê Thánh Tông (điểm cuối tuyến).

Lý do mà phía Hải Phòng đưa ra bởi thành phố đang xây dựng nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và phấn đầu hoàn thành công trình vào cuối năm 2016. Vì thế, từ 3/10-31/12/2016, để phục vụ thi công công trình, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng sẽ thực hiện việc điều chỉnh phân luồng giao thông theo hướng cấm xe trên 13 tấn đi vào đoạn đường trên trong thòi gian từ ngày 03/10- 31/12/2016.

Các xe trên 13 tấn vào và ra các bến cảng từ Hoàng Diệu đến Đình Vũ sẽ đi theo lộ trình Quốc lộ 5-Tôn Đức Thắng-Nguyễn Vãn Linh-Võ Nguyên Giáp-Phạm Văn Đồng-đường cao tốc Hà Nội-Hảỉ Phòng-Lê Thánh Tông và ngược lại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục