Khoản hỗ trợ các nước nghèo với biến đổi khí hậu thấp hơn 5-10 lần

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), khoản tài trợ hiện nay dành cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu hiện thấp hơn từ 5-10 lần so với mức cần thiết.
Khoản hỗ trợ các nước nghèo với biến đổi khí hậu thấp hơn 5-10 lần ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến những quốc gia dễ bị tổn thương và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa những nỗ lực thích ứng với tình trạng này, trong khi nguồn quỹ để hỗ trợ các nước  đang thiếu trầm trọng. Đây là nội dung được đưa ra trong báo cáo mới được Liên hợp quốc công bố ngày 3/11.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoản tài trợ hiện nay dành cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu hiện thấp hơn từ 5-10 lần so với mức cần thiết.

Năm 2020, số tiền mà các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu là 83 tỷ USD, thấp hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm. Trong số này, chỉ có 29 tỷ USD chi cho các chương trình hỗ trợ các nước thích ứng với biến đổi khí hậu, thấp hơn nhiều so với khoản tiền 340 tỷ USD/năm ước tính cần đạt được vào năm 2030.

UNEP đã điều chỉnh tăng khoản tài trợ cần thiết cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu so với cách đây một năm, từ 160 tỷ USD lên 340 tỷ USD vào năm 2030 và từ 315 tỷ USD lên 565 tỷ USD vào năm 2050.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh trong một năm qua, biến đổi khí hậu đã gây tổn hại nghiêm trọng cho thế giới với thiên tai, lũ lụt, hạn hán xảy ra tại nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

[Nhật Bản đóng góp kỷ lục 3,4 tỷ USD cho quỹ hỗ trợ nước nghèo của WB]

Bà kêu gọi các nước khẩn trương giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để hạn chế tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời lập tức tăng cường nỗ lực để thích ứng với những tác động.

Trong một thông cáo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng hiện là thời điểm xem xét lại việc thích ứng với khí hậu trên toàn cầu, đồng thời cho biết ông đã yêu cầu các quỹ khí hậu xanh phối hợp với các nhà tài trợ công và tư thí điểm một công cụ thúc đẩy đầu tư.

Công cụ này sẽ giúp các nhà tài trợ hợp tác với các nước đang phát triển để đầu tư vào những dự án cụ thể và các ưu tiên của họ trong thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Các quỹ tài trợ thích ứng này thường dành cho các chương trình như cải thiện an ninh lương thực như trồng các loại cây có khả năng chống chịu nắng nóng và hạn hán, hoặc dành để xây dựng cơ sở hạ tầng như đê chắn sóng.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) năm ngoái, các nước phát triển đã nhất trí tăng tài trợ lên 40 tỷ USD/năm vào năm 2025 để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tổng Thư ký Guterres cho rằng tại COP27 dự kiến diễn ra ở thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6-18/11 tới, các nước phải đưa ra một lộ trình đáng tin cậy với các cột mốc rõ ràng để thực hiện điều này và tốt nhất là dưới hình thức tài trợ, chứ không phải cho vay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục