Tiếp nối thành công của các khóa tập huấn những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 6 từ ngày 11-25/8 tới, tại Hà Nội.
Tại Lễ khai mạc ngày 12/8, tại Hà Nội, 80 giáo viên đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt và tham dự Khóa tập huấn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cho biết, đối với cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếng Việt có vai trò hết sức quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương đất nước, nhất là trong những gia đình khi các thế hệ thứ 3, thứ 4 hoàn toàn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Việc dạy và học tiếng Việt cũng như bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt là ở thế hệ trẻ là nguyện vọng chính đáng và là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong nước đã dành nhiều quan tâm và có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ cho công tác dạy và học tiếng Việt của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Trong 14-15 năm qua, riêng tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài đã có 3 Đề án cấp quốc gia hiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.
Trong 10 năm qua, khoảng 100.000 bộ sách giáo khoa “Quê Việt” và “Tiếng Việt vui” đã được cung cấp cho các địa bàn. Cùng với đó, việc cung cấp các học liệu, xây dựng cơ sở trường lớp và cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập cũng đã được triển khai, tạo nên hiệu quả thiết thực.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, từ năm 2013, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Hà Nội cho hàng trăm giáo viên/tình nguyện viên người Việt Nam ở nước ngoài.
[Tổ chức tọa đàm về các phương pháp giảng dạy tiếng Việt tại Đức]
Hoạt động này đã được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao, góp phần cải tiến chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.
Ông Lương Thanh Nghị cho biết sắp tới Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn ở bên ngoài để các thầy cô giáo có thể trau dồi các phương pháp kỹ năng sư phạm cũng như tạo cơ hội để các thầy cô cùng giao lưu trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt.
Ông Lương Thanh Nghị tin tưởng rằng sau khi tham dự khóa tập huấn lần này, các học viên sẽ tiếp tục tham gia tích cực và làm lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Ban Tổ chức, chương trình học của Khóa tập huấn được nghiên cứu và biên soạn dành riêng cho đối tượng là những người dạy tiếng Việt cho kiều bào ở nước ngoài hứa hẹn sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy một cách hiệu quả nhất cho học viên.
Các học viên được đi thực tế dự giờ ở trường học ở Việt Nam, tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử của đất nước để chương trình mang tính thực hành cao; được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với nhau cũng như với các cơ quan chức năng trong nước về tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, giúp Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh và phát huy hơn nữa các hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện từ giai đoạn 2004-2008 đến nay thuộc Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài."
Hơn 10 năm qua, chương trình đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng cho khoảng 600 giáo viên kiều bào.
Mỗi năm có khoảng trên 70 giáo viên kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tham gia khóa tập huấn./.