Khoa học từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất

Khoa học - “quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” theo cách nói khác là “phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất.”
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 31/8, trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn xa hơn.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể được chỉ rõ là: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại.

Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.”

['Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có ý nghĩa rất quan trọng']

Trong 75 năm qua, quá trình nỗ lực đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vai trò rất quan trọng của ngành khoa học và công nghệ.

Khoa học gắn với kinh tế

Khoa học - “quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” theo cách nói khác là “phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất.”

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó."

Người khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.”

Những cán bộ khoa học thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Trần Ðại Nghĩa, Hồ Ðắc Di, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Lương Ðịnh Của, Bùi Huy Ðáp... đã có những đóng góp to lớn mà thầm lặng vào việc “khoa học trở lại phục vụ sản xuất” và nâng cao đời sống của nhân dân.

Nhớ về thời kỳ đầu của Ủy ban Khoa học Nhà nước (tổ chức tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ) vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết các cán bộ kỹ thuật đã được huy động tham gia thiết kế, thi công các công trình lớn như Ðại thủy nông Bắc Hưng Hải, Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên, mỏ apatit Lào Cai, Nhà máy cơ khí Hà Nội...

Các nhà khoa học của Việt Nam nhanh chóng tiếp thu để làm chủ kỹ thuật từ các nước xã hội chủ nghĩa để đưa các nhà máy, xí nghiệp này trở thành những cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp non trẻ của đất nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học đã có các công trình nghiên cứu ứng dụng giống lúa mới và quy trình gieo cấy tiên tiến, bảo đảm lương thực ở miền Bắc, chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.

Các công trình y-dược về sốt rét, lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa đã phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng quân đội trên chiến trường.

Hệ thống các công trình nghiên cứu kỹ thuật quân sự chống nhiễu radar, cải tiến tên lửa phòng không, rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường là những thành tựu khoa học rất đáng tự hào, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh kỹ thuật cao của đối phương, hoàn thành sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước sang thời kỳ hòa bình, lực lượng khoa học của Việt Nam cùng với nhân dân cả nước nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận gian khổ.

Trong những tháng năm khó khăn này đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật đã được huy động tham gia thiết kế, thi công các công trình thế kỷ của Việt Nam, như xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình; khai hoang, cải tạo vùng Ðồng Tháp Mười; xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam; khai thác dầu khí ở Biển Ðông.

Công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 11 thi công lắp đặt thiết bị cột vị trí 158 dự án đường dây 500 kV mạch 3 trên địa bàn huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Lực lượng khoa học Việt Nam từng bước trưởng thành, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, xóa bỏ cơ chế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế.

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, các nhà khoa học tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh.

Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia ngày càng phát triển. Trong thập niên 60, cả miền Bắc chỉ có 8 viện nghiên cứu, 6 trường đại học thì đến nay, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức khoa học-công nghệ, có gần 200 trường đại học và cao đẳng, trong đó có hơn 30 trường ngoài công lập với gần 67.000 cán bộ nghiên cứu (hơn 24.000 tiến sỹ).

Việt Nam có 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung. Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học được tăng cường...

Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng cao, đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia (năm 2019), dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26%/năm, lĩnh vực toán học và vật lý luôn đứng ở tốp đầu các nước ASEAN.

Việc ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi được đẩy mạnh trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Nhân tố khoa học-công nghệ đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Các nhà khoa học trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế; chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong y tế như ghép đa tạng, sản xuất vắcxin.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 năm nay, các nhà khoa học của Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 được công nhận về chất lượng để sử dụng rộng rãi trên toàn cầu...

Vai trò của khoa học trong tăng trưởng GDP

Quyết định số 283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2020 về việc phê duyệt đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất, các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 30-35% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm, đạt trình độ nhóm có thứ hạng khá trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất, các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 20%/năm.”

Sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từng bước được cải thiện và đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua (tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,73%). Trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành khoa học và công nghệ.

GDP - tổng sản phẩm nội địa - là chỉ tiêu giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi lãnh thổ của một nước, trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm).

Đây là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Theo mô hình tăng trưởng kinh tế của Paul A. Samuelson (nhà kinh tế học Mỹ, đại biểu của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp, người Mỹ đầu tiên nhận Giải Nobel Kinh tế vào năm 1970), sản lượng của nền kinh tế được xác định bằng hàm sản lượng: Y = f( L,K,R,T). Trong đó, f là phương pháp sản xuất, L là nguồn nhân lực; K là nguồn vốn; R là nguồn tài nguyên; T là công nghệ.

Trong mô hình tăng trưởng kinh tế này cũng như ở các mô hình khác, yếu tố đầu vào đóng vai trò quan trọng, giúp gia tăng sản lượng như: vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học-công nghệ.

Trong điều kiện nguồn lực của xã hội có giới hạn, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, thì yếu tố khoa học-công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.

Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề hàng đầu đối với mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đất nước về mọi mặt, như tăng vốn tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống người dân; cải thiện các vấn đề về phúc lợi công cộng: văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo...

Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong những thập niên gần đây, tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học-kỹ thuật, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất.

Mặt khác, khoa học-công nghệ phát triển và được ứng dụng rộng rãi là nhờ sự duy trì và thực hiện cơ chế cho phép những sáng chế, phát minh được bảo vệ và được bù đắp một cách xứng đáng.

Từ năm 2000 tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học-công nghệ đã đạt 2%, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách đầu tư phát triển khoa học-công nghệ của Đảng và Nhà nước.

Việc phát triển kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố - nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trình độ khoa học-công nghệ, trong đó yếu tố khoa học-công nghệ giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Ngày 31/7, trong buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những đột phá và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục