Ngày 23/7, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện một số bộ, ban, ngành ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc… và đông đảo nhà khoa học.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả mà chương trình đã đạt được trong phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
Các mô hình sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… đã được nghiên cứu, kịp thời chuyển giao tới một số ban, bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc Đại học Quốc gia Hà Nội đã kịp thời tổng hợp, chọn lọc các kết quả đạt được từ chương trình để tham gia góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng bộ các tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2015-2020; góp ý tư vấn phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025 cho các tỉnh vùng Tây Bắc.
Đặc biệt, chương trình đã đưa ra một số đề xuất về “Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” phục vụ Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý một số nội dung cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Cụ thể là một số nghiên cứu vẫn còn mang tính hàn lâm; các mô hình được xây dựng và triển khai chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị; chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng.
Các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển, mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp khoa học và công nghệ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng thời gian triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn phức tạp.
Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là với các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, chia sẻ Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách là cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu cả nước, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao phó thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn cấp quốc gia.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Đại học Quốc gia Hà Nội làm cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013-2018. Sau đó, chương trình tiếp tục được kéo dài đến tháng 6/2020.
Sau 7 năm triển khai, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra với 55 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm; 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương; 21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 5 sản phẩm được thương mại hoá.
Hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp và kết nối hiệu quả đội ngũ 600 nhà khoa học thuộc hơn 40 cơ quan nghiên cứu trong cả nước để trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đặt ra trong thực tiễn phát triển, giải phóng tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, khai thác nguồn lực, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Chương trình đã mang lại kết quả khoa học có giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn tới, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nguồn nhân lực khác, phát huy thế mạnh nguồn lực tự nhiên trong chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc./.