Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam: Xu thế tất yếu (Bài 2)

Khoa học công nghệ là giải pháp cốt lõi

Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng.

Nguồn năng lượng sạch hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu hằng ngày của quân, dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Nguồn năng lượng sạch hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu hằng ngày của quân, dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Như đã đề cập ở bài 1 về chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, bài 2 của chùm bài sẽ phân tích các giải pháp khoa học, công nghệ cho quá trình chuyển dịch này,

Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, năng lượng địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác.

Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng… Xu thế của chuyển dịch năng lượng hiện nay là tất yếu, trong bối cảnh các nước trên thế giới cam kết bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính theo lộ trình tại các Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Cơ hội và thách thức

Tại Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã dẫn Báo cáo tóm tắt Triển vọng chuyển dịch năng lượng thế giới năm 2023 do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố.

Những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng đa phần là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển…

Đồng thời, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn. Quá trình chuyển dịch năng lượng ở châu Âu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong hơn hai năm qua.

Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050, còn với Đức mục tiêu này được ấn định vào năm 2045… Để biến tham vọng này thành hiện thực, các nước khối Liên minh châu Âu đang tập trung mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng từ 32% lên 42,5% vào năm 2030.

TTXVN_2906diengio2.jpg
Dự án điện gió đã đi vào vận hành tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Nêu một số lợi ích cũng như thách thức đối với chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Sĩ Đăng cho rằng việc chuyển sang sử dụng dịch năng lượng giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường theo hướng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm lượng CO2 và các khí nhà kính khác, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp.

Sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam cũng giúp đất nước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch năng lượng xuất hiện những thách thức khá lớn. Điển hình là, mặc dù chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể, việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, nhất là điện gió. Hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng đủ để tích hợp năng lượng tái tạo. Hệ thống lưới điện hiện tại cần được nâng cấp để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió.

Để đối phó với tính không liên tục của một số nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng hiệu quả như pin và hệ thống lưu trữ nhiệt…Ngoài ra, cần cải thiện khung pháp lý và các quy định liên quan đến năng lượng tái tạo, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng sạch khác cũng như ban hành các quy định hạn chế theo lộ trình nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất.

Chia sẻ cụ thể hơn về định hướng phát triển khoa học công nghệ cho chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Sĩ Đăng cho rằng chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Cần xây dựng các chương trình phát triển công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới; xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.

Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính và thuế cho các dự án nghiên cứu và triển khai công nghệ mới; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án triển khai và ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo vào thực tiễn, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; thúc đẩy, tạo cơ chế với các điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Sĩ Đăng cũng đề xuất Chính phủ tăng cường đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Điều này bao gồm việc cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu khoa học công nghệ; thiết lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới; cung cấp các gói trợ giá và hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án phát triển công nghệ năng lượng sạch; xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm các khóa học, chương trình thạc sỹ và tiến sỹ.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo. Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng các giải pháp xanh, thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Vai trò then chốt

Theo ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cụ thể đối với việc ngừng phát thải carbon vào năm 2050.

TTXVN_1206dienmattroi.jpg
Các tấm pin quang năng điện mặt trời. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Quá trình này cũng góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững cho mỗi quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy muốn chuyển dịch năng lượng thành công yêu cầu 4 yếu tố cốt lõi là: Nền kinh tế cạnh tranh; mở cửa thị trường; chính sách hỗ trợ và đặc biệt là công nghệ. Công nghệ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, dù là từ phương tiện dùng ngựa sang ôtô, từ động cơ chạy bằng xăng sang động cơ chạy bằng điện, từ nhiệt điện than sang điện gió và điện mặt trời.

Nói một cách đơn giản, tất cả các quá trình chuyển dịch năng lượng về cơ bản phụ thuộc vào tính có sẵn và tính phổ biến của các công nghệ mới.

Ông Nguyễn Mai Dương chia sẻ một số xu hướng chính trong chuyển dịch năng lượng hiện nay như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong ngành điện; thúc đẩy giao thông xanh trong ngành giao thông vận tải; phát triển hydro xanh...

Để từng bước hiện thực hóa các xu hướng này từ khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022 phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2023 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (Chương trình KC.05/21-30) nhằm ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, sạch, sinh học, tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn, tin cậy trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu tiếp thu, ứng dụng, phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, để ngăn chặn thiết bị, công nghệ lạc hậu trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 ban hành Quyết định Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ đã xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường..., trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2023-2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam” (NET Zero). Chương trình NET Zero của Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện cam kết quốc gia nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là một phần trong nỗ lực đất nước để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn. Định hướng phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, bao gồm hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng./.

Bài 1: Hướng tới nền kinh tế xanh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục