“Khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế”

Ngành khoa học và công nghệ Việt Nam chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận.
“Khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế” ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận là điều đã và đang phải đối mặt. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thẳng thắn nhìn nhận, ngành khoa học và công nghệ Việt Nam chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Thông tin trên được người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 diễn ra sáng nay (11/9) tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong những năm qua, các nhà khoa học Việt Nam dù trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu còn thua kém các nước trong khu vực nhưng vẫn đóng góp cho đất nước nhiều thành quả khoa học và công nghệ có giá trị. Điều này sẽ góp phần thiết thực cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt, nâng cao tốc độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất và dịch vụ trong nước.

Có thể kể ra những công trình tiêu biểu như thiết kế chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ công nghệ đóng tàu.. Khoa học cơ bản trong lĩnh vực thế mạnh như toán, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong ASEAN, góp nhiều gương mặt khoa học có uy tín trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy, một cách trung thực và khách quan, rằng khoa học và công nghệ nước ta vẫn chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp h​óa - hiện đại h​óa, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, các cán bộ khoa học có trình độ quốc tế,” Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng điều này làm hạn chế tầm chiến lược, khả năng dự báo cũng như năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở quy mô quốc gia, dẫn đến kết quả là Việt Nam chưa có nhiều công trình khoa học đạt trình độ quốc tế, chất lượng cao, hiệu quả lớn.

Ngoài ra, tuổi bình quân của đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành vẫn còn cao, ở một số lĩnh vực rất cao. Hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận là điều đã và đang phải đối mặt.

“Khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế” ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Nguyên nhân - theo ​Bộ trưởng Quân - là bởi chưa tháo gỡ được các vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách tạo nguồn lực và động lực cho khoa học và công nghệ phát triển.

“Bên cạnh cơ chế tài chính, chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả trong sử dụng cán bộ khoa học và trọng dụng người tài,” ông Quân nói.

Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng để giải quyết được thấu đáo các vấn đề trên, “một mình Bộ Khoa học và Công nghệ có lẽ chưa đủ thẩm quyền và phương tiện để thực hiện. Sự nghiệp chung đòi hỏi nỗ lực và sự đồng thuận chung của toàn xã hội, của các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng cán bộ khoa học, lực lượng khoa học trẻ.”

Đây cũng là lý do mà Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn để các nhà khoa học trẻ tiêu biểu-những người quyết định tương lai của khoa học công nghệ đóng góp ý kiến tâm huyết để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách, đề xuất giải pháp thúc đẩy khoa học và công nghệ nước nhà lên Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành…

Ông Quân cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học trẻ, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách để trình Chính phủ, giải quyết trúng các vấn đề thực sự bức xúc hiện nay trong hoạt động khoa học./.

Bên cạnh xây dựng chính sách, trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều cố gắng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, bộ này đã thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia năm 2008, tập trung tài trợ nghiên cứu theo đề xuất của các nhà khoa học, ưu tiên nhà khoa học trẻ. Số nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu được Quỹ tài trợ tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên 60 - 70% năm 2014; công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng 30% mỗi năm, chiếm 25% tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.

Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai nhiều chương trình, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như “Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon,” Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục