Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, sẽ rất khó để có thể nói đến những thành phần chính của hệ sinh thái số trong tương lai. Nó không phải là mạng xã hội như Facebook, mạng tìm kiếm như Google như hiện nay…
Thông tin trên được ông Hưng đưa ra tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2018 do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức vào 5/12 tại Hà Nội.
Yếu tố sống còn
Theo ông Hưng, sau 21 năm kể từ khi hòa mạng thế giới, Internet Việt Nam tiếp tục đặt ra những thách thức và mục tiêu mới: xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ nền tảng số do người Việt tự phát triển, làm chủ.
[Những gian hàng công nghệ mới tại Internet Day 2018]
Hiện nay, Việt Nam có quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60% và là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet.
Một thống kê đáng chú ý của We are social trong năm 2018 cho hay, thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Do vậy, phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân.
Cũng theo ông Hưng, sẽ rất khó có thể nói đến những thành phần chính của hệ sinh thái số trong tương lai là gì bởi nó đang thay đổi từng ngày và sẽ dịch chuyển sang các hình thái khác.
Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ này phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển mà ông Hưng đưa ra là AI [trí tuệ nhân tạo-pv] và Privacy [riêng tư-pv]. Các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm của mình nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng; Privacy lại liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách.
“Các doanh nghiệp nội địa muốn sống sót, phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này,” Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định.
“Luật chơi” còn lúng túng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, doanh nghiệp trong nước cần đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Các sản phẩm và dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận. Các doanh nghiệp lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển.
[Hệ sinh thái số: ‘Tàu siêu tốc’ đưa doanh nghiệp nhỏ ra thế giới]
Ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc DZS Việt Nam, cho biết, cập nhật kiến thức và công nghệ mới không khó, nhưng từ nhận thức đến thay đổi một mô hình kinh doanh đang triển khai lại là điều hoàn toàn không đơn giản. Hiện nay, trên thế giới các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, từ các cửa hàng bán lẻ, văn phòng, bệnh viện, trường đại học, sân bay, khách sạn, các cơ sở y tế, nhà… đều đang tăng tốc xây dựng các tòa nhà thông minh để khai thác triệt để các lợi ích từ sự bùng nổ của thiết bị kết nối và dữ liệu khổng lồ trong những năm tới.
“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn do dự thì một lần nữa sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá,” ông Park Jong Hyun cho hay.
Trong khi đó, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG (phụ trách mảng Dịch Vụ Đám Mây kiêm Tổng giám đốc VinaData) cũng đã chia sẻ về Hệ sinh thái số, những mô hình kinh doanh phù hợp để vừa tận dụng được cơ hội, vừa vượt qua được những thách thức mà kỷ nguyên 4.0 đang đặt ra cho doanh nghiệp.
Theo ông Trí, Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Học máy (Machine Learning) sẽ là những công nghệ định hình nên tương lai, với tiềm năng ứng dụng gần như vô tận: không chỉ bó hẹp trong các công nghệ thông minh như smart TV, smartphone, đồng hồ thông minh, ôtô thông minh mà rộng hơn là cả những ngành nghề, thị trường thông minh như bán lẻ thông minh, vận tải thông minh, y tế thông minh, giao vận thông minh…
“Việc công nghệ thay đổi chóng mặt, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện không chỉ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mà tư duy quản lý, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý... cũng cần phải cập nhật, bắt kịp thực tế. Nếu Chính phủ hành động đủ nhanh, các chính sách và cơ chế theo kịp xu thế và tạo được động lực cho các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển thì đó chính là cơ hội lớn. Nhưng ngược lại, độ trễ càng cao thì lại trở thành thách thức cho Hệ sinh thái số Việt Nam,” ông Trí nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực để điều chỉnh nhưng cần thừa nhận rằng có một độ trễ nhất định của chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp. Đây là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề chung của các nước trên thế giới. Vậy phải làm thế nào để doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ? Không có cách nào khác ngoài việc phải xây dựng một “luật chơi” công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả các “người chơi” đều phải tuân thủ.
“Trong thời gian tới, cả ba phía Cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn để cùng đồng hành hướng tới sứ mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam,” ông Hưng nói./.
Internet Day là hoạt động thường niên do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) chủ trì tổ chức để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet (19/11/1997).Với chủ đề “Internet và hệ sinh thái số Việt Nam,” hội thảo Internet Day 2018 sẽ bao gồm Phiên hội thảo toàn thể và 2 hội thảo chuyên đề. Trong đó, các nội dung đáng chú ý là: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn về hệ sinh thái số Việt Nam; Xu hướng công nghệ và kinh nghiệm quốc tế và tọa đàm chuyên đề “Hệ sinh thái số Việt Nam: người chơi và luật chơi,” với sự góp mặt của các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Tại sự kiện, đại diện Tổ thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết, quan điểm của cơ quan quản lý là hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là cần tập trung phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm: Mạng xã hội; Công cụ tìm kiếm; Trình duyệt; Hệ điều hành; Phần mềm phòng chống mã độc (AV).