Mặc dù đang vào cao điểm mùa sản xuất nhưng đến nay các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum hoạt động không hết công suất, cá biệt có nhà máy dừng sản xuất.
Trong 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở tỉnh Kon Tum, hiện đã có ít nhất 1 nhà máy phải dừng sản xuất do sản phẩm tồn kho nhiều chưa tiêu thụ được là Công ty Tinh bột sắn Ngọc Hồi - chi nhánh Phú Yên.
Các nhà máy còn lại vẫn duy trì hoạt động thu mua, sản xuất bình thường, tuy nhiên nhà máy hoạt động xuất cầm chừng với công suất chỉ đạt từ 40-50%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường đầu ra cho sắn và tinh bột sắn của các nhà máy trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu tinh bột sắn gặp khó khăn khi các cửa khẩu giáp Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nên việc xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Việc tìm đầu ra cho sản phẩm khó nên các nhà máy ở Kon Tum phải hạ giá thu mua nguyên liệu của nông dân.
[Xác minh nguồn gốc đất tranh chấp tại nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu]
Hiện giá thu mua sắn tươi ở địa phương này chỉ từ 1.700-1.850 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tinh bột sắn Đắk Tô có kế hoạch thu mua, nhập khẩu sắn từ nước Lào với mức giá khoảng 2.500 đồng/kg, mỗi ngày dự kiến nhập 200 tấn nhưng trước khó khăn trên, doanh nghiệp chưa triển khai kế hoạch nhập khẩu sắn từ Lào.
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay các doanh nghiệp cũng đã chủ động phương án làm việc với các đối tác Trung Quốc để có thể xuất qua đường biển.
Theo dự kiến trong cuối tháng Hai này và đầu tháng Ba tới sẽ được thông quan trở lại.
Theo Sở Công Thương Kon Tum, trong thời gian tới khi một số cửa khẩu ở Lạng Sơn mở cửa cho hàng hóa thông thương, các cảng biển trở lại hoạt động bình thường thì các nhà máy sản xuất tinh bột sắn sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để giải phóng lượng hàng tồn kho cũng như tăng cường thu mua sắn tươi trong dân./.