Một điều khá đáng tiếc cho những người yêu thiên văn Việt Nam là dù ở trong vùng quan sát dễ dàng hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 diễn ra vào rạng sáng 28/7 nhưng lại bị thời tiết cản trở.
[Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra vào cuối tháng 7]
Như Báo điện tử VietnamPlus thông tin, vào 00 giờ 14 phút rạng sáng 28/7 sẽ bắt đầu pha nửa tối; 1 giờ 24 phút bắt đầu pha một phần; 2 giờ 30 phút bắt đầu pha toàn phần; 3 giờ 21 phút nguyệt thực đạt cực đại (Mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của trái đất). Tới 4 giờ 13 phút, hiện tượng sẽ kết thúc pha toàn phần; 5 giờ 19 phút kết thúc pha một phần và 6 giờ 28 phút sẽ kết thúc pha nửa tối…
Cũng vào thời điểm này, mưa sao băng Delta Aquarids đạt cực đại từ ngày 27-29/7. Và dù là một trận mưa sao băng nhỏ, nhưng cùng nguyệt thực toàn phần, đây sẽ là các sự kiện thiên văn rất đáng lưu tâm trên bầu trời vào đêm nay.
Thế nhưng, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 27/7 thời tiết trên toàn Việt Nam bất lợi cho việc quan sát.
Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ Nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông (Sơn La-Hòa Bình có mưa to, có nơi mưa rất to); Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đêm có mưa to đến rất to; Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiều mây, có mưa (Thanh Hóa, Nghệ An đêm có mưa to).
Trong khi đó, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Nam Bộ mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, phía bắc chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác; Tây Nguyên chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác; khu vực Hà Nội nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác dông.
Quan sát vài buổi tối gần đây tại khu vực Hà Nội, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus thấy có những thời điểm không mưa vẫn quan sát được Mặt Trăng. Tuy nhiên, nếu tình huống này xảy ra vào tối nay thì có thể ở một số nơi vẫn có thể xem được nguyệt thực ở một khoảng thời gian nào đó./.