Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu: Lối đi nào cho doanh nghiệp?

Việc hạn chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; lạm phát toàn cầu, giá nguyên, nhiên liệu tăng trong khi sức mua của thị trường giảm đặt các doanh nghiệp xuất khẩu vào "thế khó."
Gia công hàng dệt may xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Các diễn biến bất lợi của thị trường từ nửa cuối năm 2022 vẫn đang tiếp diễn và dự báo sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2023 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, bất ổn nguồn cung xăng dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng khiến cho lạm phát tăng mạnh ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu nên người dân đã cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ gỗ .... Do đó, đơn hàng của những mặt hàng này sụt giảm mạnh so với năm trước.

Trong bối cảnh khó đoán định của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Đơn hàng liên tục giảm

Nửa cuối năm 2022, nhiều ngành hàng xuất khẩu ghi nhận số lượng đơn hàng sụt giảm sâu một cách đột ngột, đáng chú ý nhất là dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất giảm trung bình từ 30- 50%, có những trường hợp giảm đến 60-70% đơn hàng. Tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến trong quý 1/2023.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ quý 3/2022 khi bùng nổ lạm phát ở châu Âu và Mỹ, lượng đơn hàng dệt may giảm sút nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp chứng kiến tình trạng đơn hàng giảm sâu, buộc phải giảm ca làm, giờ làm để duy trì chuyền sản xuất và giữ việc làm cho người lao động trong dịp cuối năm. Cũng vì ít đơn hàng nên các doanh nghiệp chủ động cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trung bình khoảng 25 ngày, một số doanh nghiệp nghỉ tới 40 ngày.

Không chỉ có dệt may, mà các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cũng đang gặp tình cảnh tương tự khi đơn hàng trong quý 1/2022 chưa có tín hiệu khả quan.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt, cho biết đơn hàng của công ty trong những tháng đầu năm 2023 chỉ còn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Xuất khẩu giảm do nhiều DN khó khăn về đơn hàng]

Các thị trường xuất khẩu chính của Lâm Việt như Mỹ, châu Âu đều trong xu hướng giảm sức mua, khiến cho đối tác nhập khẩu cắt giảm mạnh đơn đặt hàng. Tình trạng này kéo dài hơn nửa năm khiến doanh nghiệp phải xoay xở mọi cách để giữ chân người lao động.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xuất khẩu đồ gỗ cũng gặp phải tình trạng khó chồng khó khi đơn hàng bị sụt giảm mạnh nhưng phải cố gắng “gồng mình” để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân.

Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn; lạm phát toàn cầu, giá nguyên, nhiên liệu tăng trong khi sức mua của thị trường giảm tác động trực diện đến hoạt động xuất khẩu. Thêm vào đó, xung đột quân sự ở nhiều khu vực trên thế giới tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước.

Tại Đồng Nai, cũng do khó khăn về đơn hàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Taekwang MTC Việt Nam (đóng tại Khu Công nghiệp Loteco, thành phố Biên Hòa) cho gần 800 công nhân nghỉ việc.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, riêng trong tháng 4 mức giảm sâu so với cùng kỳ.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh tiếp tục khó khăn, thực hiện ước đạt 286,30 triệu USD, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 40,13% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng ước đạt hơn 1.562 triệu USD giảm 14,84% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của Sở Công Thương, tính đến đầu tháng 5 hoạt động xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.

Giảm quy mô lao động, giảm doanh thu

Theo Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 26/5, trong gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với những doanh nghiệp còn trụ lại, 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động; 80,7% dự kiến giảm doanh thu.

Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đang xuống thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp cho biết những khó khăn, thách thức lớn nhất đang phải đối mặt gồm khó khăn về đơn hàng; tiếp cận vốn vay; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Trung bình mỗi tháng khoảng 19.250 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023. Con số này tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, gần tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, khoảng 78.900.

Còn theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại-công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi tháng trong quý 1/2023, khoảng 20.100 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, trong khi con số bình quân một tháng 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

"Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số doanh nghiệp gia nhập thị trường", báo cáo của VCCI cho biết. Đáng lo ngại hơn là "tình hình nói trên có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới".

Doanh nghiệp khó khăn cũng dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022-1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành sẽ có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp . (Nguồn: Vietnam+)

Tổng hợp khuyến nghị của các chuyên gia và từ tình hình thực tiễn, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để bơm tiền cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Trong đó chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới.

Đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại và đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất lao động.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ số, quản trị dựa trên dữ liệu gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, phục vụ, hiệu quả và minh bạch; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.

Đợt khảo sát cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

Nhóm kiến nghị tập trung vào các giải pháp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay như nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực; không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất,

Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Nhóm giải pháp quan trọng khác được đề xuất là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường xuất khẩu.

“Cục sẽ tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các doanh nghiệp, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay…,” ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tăng cường đàm phán, tận dụng để mở rộng thị trường ngoài nước thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong thời gian qua cũng như khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kết nối trực tiếp với các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài để tìm hiểu, nắm bắt thị trường.

Bộ sẽ sớm kết nối để các hiệp hội, các doanh nghiệp trong nước được tiếp xúc, được trao đổi trực tiếp với các Thương vụ ở nước ngoài để có thể giải quyết được những cái khó, cái vướng của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong nước hiện nay, để thúc đẩy xuất khẩu một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững hơn.

Về phía địa phương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, nhằm tạo sự giao lưu giữa các nhà mua hàng, chuỗi siêu thị lớn nước ngoài gặp gỡ những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam ở thành phố, qua đó tạo động lực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo trong quý 2, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được cải thiện.

Để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục, lãnh đạo Vinatex đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới, đồng thời cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt các doanh nghiệp cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục