Đối mặt với lợi nhuận bị thu hẹp và nợ chồng chất, các doanh nghiệp Pháp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đẩy mạnh đầu tư, điều mà Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande hy vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi mong manh của kinh tế Pháp.
Chính phủ Pháp kỳ vọng kinh tế nước này sẽ phục hồi trong năm 2014 với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp sẽ thay thế vai trò truyền thống của hoạt động chi tiêu tiêu dùng để trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Nước này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế ít nhất 0,9% vào năm 2014, với niềm tin rằng kế hoạch ưu đãi thuế doanh nghiệp sẽ góp phần giúp tăng tổng số vốn đầu tư kinh doanh thêm 1,5% và thậm chí là nhiều hơn nữa đối với hoạt động mua sắm trang thiết bị mới.
Theo kế hoạch ưu đãi thuế doanh nghiệp, được đề ra để cắt giảm chi phí thuê lao động khoảng 10 tỷ euro (13,8 tỷ USD) vào năm tới, Chính phủ Pháp dự kiến lợi nhuận trung bình chưa trừ lãi, thuế hay các khoản chi tiêu khác của các doanh nghiệp Pháp sẽ tăng lên 28,7% trong năm tới, từ mức ước tính 28,2% của năm nay.
Đến năm 2015, chính phủ nước này hy vọng sẽ cắt giảm thêm khoảng 20 tỷ euro chi phí lao động. Tuy nhiên, những tiến triển như vậy chưa giúp nhiều trong ngắn hạn cho việc đưa lợi nhuận của các doanh nghiệp Pháp cao bằng với mức lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp tại các nước khác thuộc Eurozone, hiện đạt mức trung bình gần 38%.
Lợi nhuận yếu kém của các doanh nghiệp Pháp sẽ khiến họ phải vay nợ nhiều hơn và duy trì mức đầu tư tối đa trong khả năng cho phép. Thậm chí, mức nợ của các doanh nghiệp Pháp có thể sẽ tương đương gần 66% tổng sản lượng nền kinh tế nước này.
Các doanh nghiệp Tây Ban Nha và Italy tuy hiện đang phải vác một gánh nợ lớn hơn, song lợi nhuận của họ lại tốt hơn các doanh nghiệp Pháp. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp cắt giảm nợ khá nhanh, đưa số nợ doanh nghiệp của "xứ sở Bò tót" giảm từ mức 118% GDP năm 2010 xuống dưới 100% GDP hiện nay.
Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhằm cải thiện thị trường lao động hiện đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Tổng thống Hollande, khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang ở mức cao khoảng 11%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng hoạt động đầu tư của họ sẽ chưa thể giúp nước Pháp thực hiện mục tiêu này, bởi hầu hết các doanh nghiệp hiện đang chú tâm vào việc đạt lợi nhuận hơn là nâng cao năng suất.
Các luật lệ mới đòi hỏi các doanh nghiệp Pháp phải chi trả và bồi thường nhiều hơn cho người lao động đang khiến họ tăng cường đầu tư vào các máy móc tự động thay vì tuyển dụng thêm lao động.
Mặc dù tỷ lệ lãi suất thấp đã cho phép các doanh nghiệp Pháp duy trì hoạt động đầu tư và tránh khỏi nguy cơ dình trệ, song những công ty này vẫn dễ bị tổn thương trước chi phí vay mượn đang có xu hướng gia tăng. Nhằm đề phòng khả năng lãi suất sẽ tăng cao, các doanh nghiệp Pháp đang đổ xô vào các thị trường nợ, nơi họ có thể vay mượn với mức lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng./.
(Vietnam+)