Khó khăn phát triển hạ tầng khung tại các huyện ven Thủ đô

Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, các huyện như Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quận trong những năm tới đây.
Khó khăn phát triển hạ tầng khung tại các huyện ven Thủ đô ảnh 1Khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 179 đoạn từ Dốc Lời đến ngã tư đường 181, huyện Gia Lâm. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, các huyện như Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quận trong những năm tới đây.

Tuy nhiên, các địa phương này đang gặp phải những khó khăn về nguồn lực để xây dựng hạ tầng khung.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) Lê Anh Quân, địa phương đang tập trung nguồn lực để thực hiện lộ trình lên quận trong thời gian tới.

Do vậy, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã triển khai 347/424 dự án, hoàn thành, đưa vào sử dụng 231 dự án; đang tổ chức thi công 116 dự án; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư 77 dự án.

Đáng chú ý, hưởng ứng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, huyện Gia Lâm tiến hành khởi công các tuyến đường: đê tả Hồng với chiều dài 3,9km, tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng; tuyến đường từ đường 179 đến đường gom Hà Nội-Hải Phòng với chiều dài 1,1km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến, trục chính khớp nối hệ thống giao thông với tổng chiều dài hơn 70km, tổng mức đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng.

[Đô thị vệ tinh - Điểm nhấn trong mục tiêu phát triển tại Hà Nội]

Mặc dù vậy, theo lộ trình từ nay đến năm 2022, huyện Gia Lâm sẽ phải làm mới, nâng cấp khoảng 100km đường giao thông nữa để đáp ứng tiêu chí thành quận (Tiêu chí của quận là 10km đường giao thông/km2).

Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Gia Lâm sẽ phải huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện.

Huyện sẽ thực hiện các thủ tục để xin cơ chế, huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất và phần phân bổ ngân sách của thành phố cho đầu tư công.

Còn ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho rằng, thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị rất lớn. Trong khi đó, cấp huyện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất và sự hỗ trợ từ thành phố.

Vì vậy, để hoàn thiện nhóm tiêu chí hạ tầng; trong đó có hạ tầng giao thông, huyện rất cần thành phố hỗ trợ kinh phí. Và đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương ven đô đang trong quá trình thực hiện lộ trình lên quận.

Ngoài những khó khăn vướng mắc về nguồn vốn thì nhiều địa phương ven đô khi phát triển hạ tầng khung cũng trở ngại về vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng.

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực giao thông, để giải quyết những bất cập, vướng mắc từ thực tế, nhất là về nguồn lực vốn đầu tư cho hạ tầng khung, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị..., giảm sức ép đối với ngân sách thành phố, đồng thời giúp địa phương sớm có được hệ thống hạ tầng theo lộ trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục