Khó khăn chồng chất, liệu có một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit?

Ngày càng có nhiều yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, nếu London và Brussels có thể đạt được thỏa hiệp tạm thời nào đó thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khó khăn chồng chất, liệu có một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit? ảnh 1(Nguồn: BBC)

Tháng 7/2018, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố một thỏa thuận về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Tuyên bố này đã dẫn đến những sóng gió ban đầu trên chính trường Anh khi nội các vừa thông qua thỏa thuận này thì một số bộ trưởng chủ chốt đệ đơn từ chức. Nhân vật “phản pháo” dữ dội với những đề xuất của bà May là Boris Johnson vốn lâu nay hừng hực khí thế Brexit.

Theo phân tích, mới đây trên trang mạng eurasiareview.com, kế hoạch của bà May là đề xuất mối quan hệ gần gũi hơn nữa giữa Anh và EU so với những gì mà lực lượng ủng hộ Brexit của Anh mong muốn.

Những người lâu nay “mạnh mồm” nhất về sự cần thiết rời EU không hài lòng với thỏa thuận cuối cùng mà nữ thủ tướng đưa ra, song phần lớn trong số họ lại không có lựa chọn nào khác ngay cả khi họ có những quan điểm khác nhau về cách thức tốt nhất để xử lý mối quan hệ Anh-EU.

Đảng Bảo thủ Anh vẫn bị chia rẽ như trước đây về châu Âu song họ hiểu rằng một quyết định là cần thiết và bà May đã thực hiện bước đi đầu tiên.

[Anh và Liên minh châu Âu sẽ "chốt hạ" trong vấn đề Brexit?]

Thỏa thuận đã được nội các Anh thông qua là con đường được lựa chọn duy nhất để giúp London tiến tới các cuộc thương lượng với EU về mối quan hệ tương lai sau cuộc “ly dị.”  Có thể hiểu rằng trong thời kỳ hậu Brexit, Anh sẽ tiếp tục chia sẻ các quy định chung cho tất cả các loại hàng hóa với EU, trong đó có nông sản.

Anh cũng đề xuất một khuôn khổ thể chế chung để diễn giải các thỏa thuận giữa Anh và EU. Để bảo đảm mối quan hệ với Ireland, các đường biên giới giữa Anh và EU sẽ được coi là “lãnh thổ hải quan chung." Đáng chú ý là London đề xuất chấm dứt sự dịch chuyển tự do của người dân, “tạo điều kiện để Anh kiểm soát số lượng người đến nước này."

Thế nhưng, giờ đây lại xuất hiện nỗi lo sợ về khả năng “không có một thỏa thuận Brexit nào." Mặc dù Thủ tướng May vẫn tự tin có thể ký kết một thỏa thuận với EU, nhưng Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, Liam Fox, cho rằng khả năng không đạt được thỏa thuận là “60-40."

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cũng nhấn mạnh khả năng “không thỏa thuận Brexit” là cao và đây là điều không hề mong muốn. Nỗi lo sợ này đã tác động đến sức khỏe thị trường tài chính Anh khi đồng nội tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua so với đồng euro.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận thì tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên còn lại sẽ giảm 1,5% đến năm 2030 đồng thời làm “bốc hơi” 4% GDP của Anh. Đây thực sự là cơn ác mộng đối với EU vốn chỉ vừa “bình phục” sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Thủ tướng May đang nỗ lực hết sức để chống chọi trước sức ép trong nước. Những người muốn bà “ra đi” đang ủ mưu từng ngày, song bà vẫn đưa ra được một kế hoạch cho Brexit của Anh. Đối với nữ thủ tướng này, đạt được một thỏa thuận nào đó sẽ tốt hơn là không đạt được thỏa thuận và đó là những gì bà May muốn truyền tải đến những người đồng cấp châu Âu.

Dựa trên tinh thần đó, bà đã kêu gọi EU có quan điểm tích cực và tiến bộ về Brexit và không “lạc” vào những đề xuất bất khả thi để Anh có thể đạt được một thỏa thuận Brexit vào tháng 3/2019.

Trong khi Anh vẫn phải “đau đầu” với những vấn đề khó giải quyết trong nội bộ thì EU cũng chẳng “nhẹ lòng” hơn khi phải xử lý những vấn đề nan giải khác ở cấp độ rộng lớn hơn, ngoài Brexit. Đó là vấn đề di cư, hiện đang là tâm điểm của các cuộc tranh cãi bất đồng quan điểm giữa EU và đã gây chia rẽ khối này cũng như chia rẽ trong nội bộ các chính phủ về việc nước nào sẽ đảm trách tiếp nhận người di cư đến châu Âu từ Địa Trung Hải.

Ngày càng có nhiều chính trị gia châu Âu có quan điểm chống lại vấn đề di cư sử dụng những lời lẽ đanh thép để thách thức những nền tảng quy định luật lệ cơ bản được thiết lập kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Rõ ràng, di cư đang trở thành một mối đe dọa chia rẽ châu Âu.

"Tính mong manh của EU ngày càng gia tăng," Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh “sự rạn nứt đang ngày một lớn dần."

Ngày càng có nhiều yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về vấn đề Brexit. Mọi khả năng vẫn có thể xảy ra. Thế nhưng, những thách thức của việc điều hành Anh và EU với những vấn đề rộng lớn hơn lại khó có thể trở nên nhẹ nhàng hơn ngay cả nếu London và Brussels có thể đạt được thỏa hiệp tạm thời nào đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục