Khó hình thành tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục khuấy động cục diện thế giới, những thảo luận về tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn dần nóng lên.
Khó hình thành tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn ảnh 1

Theo Liên hợp buổi sáng ngày 8/4, gần đây, lãnh đạo cấp cao ba nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ tương tác với nhau liên tục.

Trước tiên là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Ấn Độ, tiếp đó là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lần lượt thăm Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục khuấy động cục diện thế giới, những thảo luận về tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn dần nóng lên.

Tuy nhiên, mặc dù ba nước có lập trường tương đồng về cuộc khủng hoảng Ukraine và cũng có điểm hội tụ lợi ích, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định Trung Quốc, Nga và Ấn Độ hình thành tam giác chiến lược.

Trên thực tế, cơ chế hợp tác ba bên Trung-Nga-Ấn sớm được thành lập từ hơn 10 năm trước, chủ yếu được tiến hành dưới hình thức gặp gỡ định kỳ giữa ngoại trưởng ba nước.

Mặc dù thời gian thiết lập cơ chế này tương đối dài, nhưng mức độ và định vị không cao, chưa đủ để đạt được yêu cầu cấp cao của tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn.

Ngoài ra, mục đích chủ yếu của cơ chế là tăng cường liên lạc chiến lược giữa ba nước, phối hợp lập trường về những vấn đề lớn, tìm kiếm đồng thuận và hợp tác.

Từ đó có thể thấy rằng cơ chế chủ yếu vẫn là điều phối quan hệ ba nước, tăng cường hợp tác, đồng thời không ứng phó với những thách thức chung.

Động lực quan trọng nhất để thiết lập tam giác chiến lược chính là mối đe dọa chung có định hướng rõ ràng.

Hơn nữa, xét từ tuyên bố được đưa ra sau một số cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Trung-Nga-Ấn, ba nước cũng không có ngôn từ nghiêm khắc và nội dung hướng đến nước thứ ba. Do đó, từ tình hình tiến triển của hợp tác ba bên Trung-Nga-Ấn hiện nay, có thể thấy rằng quan hệ ba nước vẫn chưa thể nâng lên tầm tam giác chiến lược.

Sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, quan hệ bế tắc giữa Nga và Mỹ phủ thêm bóng đen lên triển vọng hình thành tam giác chiến lược. Dự báo trong thời gian dài sắp tới, quan hệ Mỹ-Nga khó có thể xoay chuyển.

Trong bối cảnh như vậy, không chỉ Nga đối diện với áp lực bao vây từ các lệnh trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, mà các nước có quan hệ mật thiết với Nga như Trung Quốc và Ấn Độ cũng bị liên lụy.

Trước đó, Mỹ công khai cảnh cáo Trung Quốc, ủng hộ Nga sẽ đối diện với hậu quả nghiêm trọng, cũng như thể hiện thái độ không hài lòng với lập trường của Ấn Độ về cuộc xung đột Nga-Ukraine, tất cả đều là thông điệp rõ ràng.

Tuy nhiên, không thể dựa vào đó để cho rằng ba nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có mối đe dọa chung mang tên Mỹ.

Mặt khác, Mỹ cũng sẽ áp dụng chính sách phân hóa, gây rối loạn việc hình thành tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn.

Trên thực tế, Mỹ luôn lo ngại sự xích lại gần nhau, thậm chí “kết đồng minh” đối với quan hệ Trung-Nga, do đó cũng đang áp dụng các biện pháp ly gián. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ liên tục gây sức ép “chọn bên” với Trung Quốc, hơn nữa đe dọa sẽ khiến Trung Quốc gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.

Những động thái này của Mỹ rõ ràng là để gây mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nga, khiến hai bên nảy sinh nghi kỵ lẫn nhau. Đồng thời, Mỹ cũng tập trung nguồn lực chiến lược lớn vào Ấn Độ, không chỉ hỗ trợ Ấn Độ về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự, mà còn kết nạp Ấn Độ vào cơ chế đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad) do Mỹ chủ đạo xây dựng.

Cùng với việc quan hệ Ấn Độ-Nga liên tục xích lại gần nhau, Mỹ chắc chắc sẽ đầu tư nhiều hơn để lôi kéo Ấn Độ.

Sau khi ông Joe Biden lên cầm quyền, cục diện đối đầu Mỹ-Trung không có sự cải thiện thực chất, ngược lại Mỹ vẫn nhằm vào Trung Quốc từ mọi phía.

Tuy nhiên, Chính quyền ông Joe Biden đã nhiều lần trao đổi với Trung Quốc sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

“Bốn không và một không muốn” (Mỹ không tìm kiếm “Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc, không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm cách thông qua tăng cường quan hệ đồng minh để chống lại Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập, không muốn xảy ra xung đột với Trung Quốc) gần đây đã thể hiện rõ lập trường “phi chiến tranh” với Trung Quốc.

Đương nhiên, Trung Quốc có đầy đủ lý do để hoài nghi tính chân thực “Bốn không và một không muốn” của Chính quyền ông Joe Biden.

Tuy nhiên điều không thể phủ nhận là cùng với sức mạnh tổng hợp của Mỹ suy giảm tương đối và xu hướng thu hẹp chiến lược dần đẩy nhanh, việc cùng lúc đối đầu với Trung Quốc và Nga là vấn đề rất khó khăn.

Do đó, mặc dù Mỹ là mối đe dọa mà Trung Quốc phải đối diện lâu dài, nhưng mức độ cấp bách e rằng không gấp gáp bằng Nga, hoàn toàn không cần kéo Nga và Ấn Độ để xây dựng tam giác chiến lược trực tiếp đối kháng với Mỹ.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cường công khai nhấn mạnh, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga không có vùng cấm, nhưng cũng có lằn ranh đỏ. Ngoài ra, quan hệ Trung-Ấn hiện nay vẫn chưa thoát đáy, vấn đề biên giới có thể “bùng nổ” trong quan hệ song phương bất cứ lúc nào. Tất cả những điều này sẽ trở thành chướng ngại cản trở việc thành lập tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn.

Đối với Ấn Độ, từ trước đến nay, nước này luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga để thúc đẩy quá trình phát triển của mình. Sở dĩ Ấn Độ không theo Mỹ lên án Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra là hoàn toàn xuất phát từ cân nhắc lợi ích quốc gia.

Suy cho cùng, mức độ phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga về năng lượng và quân sự khá cao, hai bên cũng không tồn tại các mâu thuẫn không thể điều hòa như tranh chấp lãnh thổ, quan hệ song phương luôn phát triển tích cực. Vì vậy, Ấn Độ không thể tùy tiện đắc tội với Nga để mất nhiều hơn được.

Bên cạnh đó, với kỹ năng nắm bắt cơ hội của Ấn Độ, nhân lúc giá cả xuống thấp để mua tài nguyên dầu khí và vũ khí của Nga chẳng phải là phép tính cao tay hay sao? Xuất phát từ việc lôi kéo Ấn Độ, Mỹ cũng sẽ không nặng tay với Ấn Độ.

Ngoài ra, mối thù của Ấn Độ đối với Trung Quốc rất sâu đậm, vẫn cần dựa vào Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc, do đó cũng không có lý do đắc tội với Mỹ. Vì vậy, Ấn Độ không đủ động lực xây dựng tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn, chủ động biến Mỹ thành kẻ thù của mình.

Một mặt, áp lực mà ba nước đối diện với Mỹ không giống nhau. Đối với Nga, Mỹ là mối đe dọa khẩn cấp và trực tiếp nhất, hơn nữa khó có thể thay đổi trong ngắn hạn.

Ngoài tự mình ứng phó với Mỹ, Nga cũng muốn lôi kéo các nước “chống Mỹ” để cùng chống lại sức ép của Mỹ. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ không phải là mối đe dọa an ninh khẩn cấp phải đối phó trước mắt.

Từ cấp độ của cơ chế hợp tác ba bên Trung-Nga-Ấn hiện có, tính toán chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sự gây rối và cản trở của Mỹ, có thể thấy rằng thời cơ hình thành tam giác chiến lược Trung-Nga-Ấn chưa chín muồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục