Ngày 27/7, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo “Các giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số do Quốc hội và Chính phủ giao” với sự tham gia của các vụ, ngành liên quan và Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện giai đoạn 2 của Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015.
Ước tính 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 113,4/100, tăng so với năm 2015 (112,8/100). Do đó, rất có khả năng trong năm 2016, chỉ tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh khó đạt kế hoạch...
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm, số trẻ sinh ra tăng 9,9%; số sinh con thứ 3 trở lên tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ trong quá trình triển khai kế hoạch năm 2016, ngành dân số gặp một số khó khăn như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng lên; khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai có xu hướng giảm (khoảng 0,9%/năm).
Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao, ngày càng lan rộng, nghiêm trọng. Chương trình nâng cao chất lượng dân số đầu đời thông qua tầm soát bệnh tật trước sinh (kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, hạn chế kết hôn cận huyết thống) chưa có khả năng mở rộng dù nhu cầu sử dụng dịch vụ này của người dân tăng lên nhanh chóng.
Đồng thời, ngân sách trung ương - nguồn vốn chính thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa được cấp có thẩm quyền giao; chính sách, chế độ, định mức chi các hoạt động, chi phí dịch vụ trong chương trình còn thấp...
Trước tình hình trên, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình kiến nghị một số giải pháp: vận động các cấp ở Trung ương và địa phương hỗ trợ để có thêm kinh phí triển khai các hoạt động cần thiết của chương trình; đổi mới các nội dung, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.
Đồng thời, ngành y tế triển khai có hiệu quả Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản; triển khai có hiệu quả hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn tiền hôn nhân và các can thiệp nâng cao chất lượng dân số trong kế hoạch 2016; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình...
Tại hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp triển khai, đẩy mạnh thực hiện công tác đảm bảo hậu cần và cung cấp kế hoạch hóa gia đình năm 2016; khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch dân số-kế hoạch hóa gia đình năm 2016; một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2016./.