Tập đoàn Total của Pháp đã đóng cửa tất cả các trạm xăng ở Indonesia trong bối cảnh hãng gặp khó khăn tại thị trường quốc gia Đông Nam Á này trước sự thống trị của công ty quốc doanh Pertamina.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong thông báo ngày 11/5, Giám đốc tiếp thị Total Oil Indonesia, bà Magdalena Naibaho, cho biết hãng dầu khí có trụ sở tại Paris đã đóng cửa tất cả 18 trạm xăng của mình tại khu vực Đại Jakarta và tỉnh Bandung.
Bà cho biết quyết định này phù hợp với chiến lược toàn cầu của Total nhằm chủ động quản lý danh mục kinh doanh của mình. Giám đốc Magda nêu rõ Total vẫn sẽ tiếp tục bán dầu nhớt tại Indonesia và từ chối bình luận về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường đông dân thứ tư thế giới này.
Với quyết định trên, Total trở thành công ty dầu khí thứ hai rút khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu của Indonesia sau hãng Petronas của Malaysia. Sau khi khai trương các trạm xăng đầu tiên của mình tại Indonesia vào năm 2005, Petronas đã đóng cửa tất cả 15 trạm xăng vào tháng 8/2012.
[Mitsubishi kháng cáo lần hai phán quyết của tòa án Hàn Quốc]
Quyết định của Total cho thấy sự thống trị của Pertamina tại thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia ngay cả sau khi chính phủ nước này tự do hóa thị trường vào năm 2001 với việc ban hành Luật Dầu khí.
Hiện Pertamina là nhà phân phối chính các loại nhiên liệu được nhà nước trợ giá, qua đó thu hút khách hàng đến các trạm xăng của mình.
Theo số liệu năm 2019 của Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT), trước khi rút lui, Total là nhà bán lẻ nhiên liệu lớn thứ 4 ở Indonesia sau Pertamina (5.500 trạm xăng), BP-AKR Corporindo (130 trạm) và Shell (111 trạm). Total tham gia thị trường bán lẻ nhiên liệu của Indonesia vào năm 2009 và bắt đầu rút lui vào năm 2020.
Giám đốc điều hành của Energy Watch, ông Mamit Setiawan, cho biết quyết định của Total cũng xuất phát từ sự sụt giảm doanh số bán nhiên liệu vào năm ngoái sau khi Chính phủ Indonesia áp đặt hiện các hạn chế xã hội quy mô lớn, qua đó ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông vận tải.
Báo cáo tài chính mới nhất của Total Oil cho thấy hãng dầu khí Pháp đạt doanh thu 43,73 tỷ USD trong quý I vừa qua, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dù có sự cải thiện rõ rệt so với quý IV/2020 nhờ phân khúc lọc dầu và hóa chất./.