Khó bóc tách chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng bảo hiểm y tế

Khó bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 bằng bảo hiểm y tế

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền.
Điều trị cho bệnh nhân bị COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng cần có hướng dẫn để phân định rõ ràng việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân COVID-19 do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách Nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nền khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Thảo luận tại tổ về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020 vào chiều ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá bảo hiểm y tế giúp người dân, người nghèo khó khăn tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh.

“Hầu hết các dịch vụ y tế đều chi trả 100% các dịch vụ, không phải trả thêm tiền, đây là chính sách ưu việt của Nhà nước với bảo hiểm đối với chăm sóc sức khỏe của người dân,” người đứng đầu ngành Y tế khẳng định.

Ông Long cũng nhấn mạnh ngành y tế xác định coi bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột, vấn đề an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo, người yếu thế. Mức bảo hiểm y tế đóng ở mức độ trung bình thấp đối với các nước nhưng các dịch vụ y tế chất lượng thì hầu hết người dân được hưởng.

“Hiện, Bộ Y tế đang chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, trong đó sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm y tế,” Bộ trưởng Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền; ban hành Nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.

[Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia]

Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu) cho rằng dịch COVID-19 theo quy định điều trị là ngân sách Nhà nước chi trả. Tuy nhiên thực tế các bệnh nhân bị bệnh nền (sau đó bị COVID-19) phải do quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhưng hiện lại gặp khó khăn trong trong tách bạch chi phí chữa bệnh nền là do ngân sách Nhà nước hay bảo hiểm y tế chi trả.

“Nếu không xử lý sớm có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, trong khi các đơn vị thu dung là rất lớn. Vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế phải có hướng dẫn để phân định rõ ràng,” Đại biểu Toàn kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) lại đưa ra nhận định chắc chắn một số hồ sơ thanh toán chi phí điều trị của F0 sẽ không thể hoàn thiện được do bệnh nhân đã tử vong hoặc không xác minh.

Do vậy, bà Thu kiến nghị xem bệnh COVID-19 là một loại bệnh và quy một mối thanh toán về cho bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí mua thẻ.

Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế.../.

Tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số; trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người.

Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 gần 40.000 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.

Về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, tổng thu Quỹ bảo hiểm y tế hơn 110.000 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 hơn 104.000 tỷ đồng.

Tổng số thu Quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi Quỹ bảo hiểm y tế hơn 5.000 tỷ đồng; dự kiến số dư Quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 khoảng 33.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc về công tác thu quỹ bảo hiểm y tế; giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cân đối quỹ…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục