Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Các hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện rất thuận lợi bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng đến tận thôn xóm, phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.
Một gia đình thoát nghèo nhờ vay vốn trồng cây sầu riêng và xen canh cây ngô. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Chỉ thị 40 là một trong những chỉ thị nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Điều đó được minh chứng bởi hoạt động tín dụng chính sách không chỉ tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Điều đó cũng khẳng định rằng chủ trương đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm tổ chức thực hiện thì sẽ có kết quả tốt.

Sự vào cuộc quyết liệt

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách nhà nước đạt trên 10.000 tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11.000 tỷ đồng; từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác đạt trên 41.000 tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình,  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự cố gắng chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao.

Ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng khẳng định không có quốc gia nào trên thế giới lại quan tâm đến người nghèo như Việt Nam, thể hiện qua việc toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quan tâm một cách toàn diện đến mọi mặt xã hội. Đặc biệt là chăm lo cho người nghèo bằng nhiều chủ trương và chính sách đồng bộ; trong đó có tín dụng chính sách xã hội.

Các tổ chức chính trị-xã hội cùng vào cuộc chăm lo cho người nghèo bằng cách tham gia trực tiếp vào Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, vừa đại diện cho đoàn thể, vừa trực tiếp lo cho các đối tượng trong đoàn thể mình. 

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chỉ thị số 40 đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Chỉ thị này tập trung các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau."

“Xuyên suốt thời gian qua, các tổ chức chính trị-xã hội cùng đồng hành với Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, đã tạo lên sự thành công của tín dụng chính sách xã hội, được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế ghi nhận," Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định.

Chung tay hướng về người nghèo

Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định Chỉ thị 40 đã tạo bước đột phá cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện rất thuận lợi bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng đến tận thôn xóm, phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng thông tin từ khi có Chỉ thị này, các cấp ủy, đảng chính quyền địa phương rất quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, đã dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đến nay, nguồn vốn ủy thác này đã tăng hơn 15,6 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, gấp 4 lần so với trước khi có chỉ thị.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định giai đoạn 2014-2019 mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế nhưng Nhà nước đã ưu tiên bảo đảm các nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cụ thể, cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn các chương trình tín dụng hàng năm, cho vay các nguồn vốn ưu tiên ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định hơn.

Hộ nghèo, gia đình chính sách làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã De Ar, huyện Mang Jang, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các địa phương đã tập trung ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội cũng đã vận động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách khác. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú ý giám sát việc thực hiện chủ trương quan trọng này.

Cũng trong hơn 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội đã thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

[Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo]

Ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị-xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân, sát dân hơn; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, làm cho hội viên tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức mình.

Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội và mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là một kênh dẫn vốn tín dụng hiệu quả mà còn là một cách làm hay, một mô hình sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận thời kỳ đổi mới.

Hiệu quả cao nhất chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao và hơn thế nữa, củng cố, tăng cường niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước./.

Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo

Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Đòn bẩy phát triển kinh tế ở nông thôn

Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Chắp cánh những giấc mơ thoát nghèo

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục