Khi Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giữa dịch COVID-19

Trong bối cảnh thế giới đứng giữa khủng hoảng kinh tế và COViD-19, Trung Quốc kêu gọi các quốc gia ở châu Á, nhiều quốc gia khác duy trì chủ nghĩa đa phương, cởi mở, tăng hợp tác trong khuôn khổ BRI.
Khi Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giữa dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tổ chức truyền thông PRNewswire mới đây, trong bối cảnh thế giới đang đứng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do COVID-19 gây ra, Trung Quốc kêu gọi toàn bộ các quốc gia ở châu Á và nhiều quốc gia khác duy trì chủ nghĩa đa phương, cởi mở và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Trung Quốc thúc đẩy hợp tác đa phương qua BRI

Chủ đề của hội nghị lần này là "Một thế giới đang thay đổi: Chung tay để tăng cường quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác sáng kiến BRI."

Theo lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đây là điều thích hợp và đúng lúc nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Ông Tập Cận Bình đã đưa ra các thông điệp trong bài phát biểu quan trọng qua liên kết video tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2021 vào sáng 20/4 vừa qua.

Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý rằng "lời kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn khi chúng ta đang sống trong một thời đại đầy rẫy những thách thức."

Ông nhấn mạnh: "Tương lai của thế giới nên được quyết định bởi tất cả các quốc gia thông qua hợp tác cùng làm việc với nhau. Chúng ta không được để các quy tắc đặt ra bởi một hoặc một số quốc gia áp đặt lên các quốc gia khác, hoặc cho phép chủ nghĩa đơn phương do một số quốc gia theo đuổi tạo ra nhịp độ cho toàn thế giới. Những gì chúng ta cần trong thế giới ngày nay là công bằng chứ không phải bá quyền. Các nước lớn nên hành xử theo cách phù hợp với vị thế của họ và với tinh thần trách nhiệm cao hơn."

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm.

PRNewswire nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã và đang thể hiện vai trò là một quốc gia lớn có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Vào ngày 13/4 vừa qua, nước này đã thanh toán đầy đủ hội phí đóng góp cho ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc và Cơ chế Thặng dư Quốc tế cho các Tòa án Hình sự cho năm 2021. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã cử hơn 40.000 lính gìn giữ hòa bình đến 25 phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình chỉ rõ: "Sự cởi mở là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Chúng ta cần thúc đẩy giải phóng và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường chuỗi cung ứng, công nghiệp, dữ liệu và nguồn nhân lực, nhằm xây dựng một nền kinh tế thế giới mở cửa."

Hội nhập kinh tế ở châu Á đang được đẩy mạnh kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020. Ông Lâm Quý Quân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, cho biết sự phụ thuộc thương mại của các nền kinh tế châu Á với nhau đạt mức khoảng 50% vào năm 2019, với khối lượng thương mại song phương tiếp tục gia tăng.

[Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ kể từ sau khi đại dịch bùng phát]

Theo PRNewswire, nỗ lực "dựng lên các bức tường" hoặc "tách rời" đi ngược lại quy luật kinh tế và các nguyên tắc thị trường. Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng những nỗ lực này sẽ làm tổn hại lợi ích của các bên khác mà không mang lại lợi ích cho bản thân.

Theo ông Tập Cận Bình, BRI là một con đường chung cho tất cả mọi người, không phải con đường riêng do một bên sở hữu, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các nước quan tâm đều được chào đón gia nhập. Hiện có tổng số 126 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển và 29 tổ chức quốc tế đã ký các văn bản hợp tác với Trung Quốc về BRI.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ngoại thương của Trung Quốc với các nước dọc theo BRI đã tăng 1% lên mức 9.370 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) trong năm vừa qua.

Trung Quốc quan tâm tích hợp CPTPP với RCEP

Tại BFA, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Long Vĩnh Đồ, có bài phát biểu cho rằng Mỹ nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nên làm việc với Trung Quốc để tích hợp hiệp định này với RCEP.

Nếu Mỹ quay lại CPTPP và Trung Quốc sẽ là một bên tham gia hiệp định này, CPTPP có thể được hợp nhất thành công với RCEP.

Theo ông Long Vĩnh Đồ, nhiều quốc gia tham gia cả RCEP và CPTPP và mục tiêu chính của cả hai hiệp định là tự do hóa thương mại. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, trên thế giới sẽ xuất hiện khu vực thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử.

Ông Long Vĩnh Đồ, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, đã nhắc đến mối quan hệ chính trị không mấy êm đẹp giữa Bắc Kinh và Washington và nhận xét rằng quả bóng đang ở trên sân của Mỹ.

Định dạng RCEP giống với hiệp định thương mại tự do của Mexico với Mỹ và Canada (USMCA), cũng như hiệp định thương mại tự do của EU, nhưng xét về tổng trọng lượng kinh tế của các quốc gia tham gia RCEP, hiệp định này đang dẫn đầu. Hiệp định này tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Khi Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giữa dịch COVID-19 ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhờ đó, xét về tổng tỷ trọng của RCEP trong nền kinh tế thế giới, hiệp định này bắt đầu vượt xa CPTPP. Không có sự tham gia của Mỹ, Hiệp định CPTPP không có “đầu tàu kinh tế.” 11 nước tham gia CPTPP chỉ chiếm 11% GDP toàn cầu.

Chuyên gia Zhou Nianli từ Trung tâm Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Đại học Kinh tế-Thương mại Quốc tế Trung Quốc, nói với Sputnik rằng cần chú ý đến việc nhiều nước tham gia cả CPTPP và RCEP, một động thái hợp lý là kết hợp hai hiệp định thương mại này.

Mặc dù Trung Quốc đã gia nhập RCEP, nhưng các nhà chức trách nước này đang thể hiện sự quan tâm đến CPTPP. Năm nay, Trung Quốc bắt đầu đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP. Cuộc đàm phán được tổ chức để Trung Quốc hiểu rõ hơn về một số chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể trở lại CPTPP. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung Quốc, phe đối lập trong nội bộ Mỹ có thể lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì không phải ai cũng coi việc tham gia CPTPP có lợi cho Mỹ.

Hội nhập về thương mại với Mỹ có lợi cho Trung Quốc

Mặc dù Mỹ không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn là một trong những nước đi đầu trong thương mại với quốc gia này. Đồng thời, chính quyền Biden vẫn duy trì các hàng rào thuế quan được đưa ra dưới thời Trump. Nếu Mỹ quay lại CPTPP, họ sẽ phải cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Tất cả các thành viên CPTPP khác đều được hưởng lợi từ sự tham gia của Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc là thị trường bán hàng và đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước tham gia, kể cả Australia, New Zealand và Nhật Bản. Tự do hóa thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của họ trên thị trường Trung Quốc, điều này đặc biệt quan trọng để phục hồi các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Và Mỹ, nước từ lâu kêu gọi tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các công ty tại thị trường Trung Quốc, sẽ có cơ hội cạnh tranh để giành giật khách hàng Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng với các nước khác.

Theo ước tính của Hãng Tư vấn Oxford Economics, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong năm 2034. Năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết rằng Trung Quốc có thể “rất sớm” qua mặt Mỹ trong lĩnh vực tiêu dùng. Năm 2019, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc chi ít hơn 200 tỷ USD so với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục