Bộ sưu tập “Cinema”của Chula Fashion. (Ảnh: PV/Vietna)

Khi thời trang “nâng bước” điện ảnh và tín ngưỡng thờ Mẫu trên sàn runway

Hai bộ sưu tập của Cao Minh Tiến và Chula Fashion đã dựng lên một “sân khấu văn hóa” truyền thống và kinh điển trên sàn runway, vượt qua thẩm mỹ đơn thuần để mang đến một trải nghiệm trọn vẹn.

Nghệ thuật thứ bảy và văn hóa tâm linh Việt Nam thấm đẫm trong thời trang được trình diễn trên sàn runway của đêm thứ hai Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024 vừa diễn ra tối qua (14/11), đã đem đến một trải nghiệm đầy màu sắc và chiều sâu, chạm tới cảm xúc của công chúng mộ điệu Thủ đô.

Thời trang đã vượt khỏi khuôn khổ của những nhìn ngắm thông thường để trở thành nghệ thuật với những điểm chạm đầy tinh tế.

“Bước chân điện ảnh” trên sàn runway

Chula Fashion, thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha đã mang bộ sưu tập “Cinema” lấy cảm hứng từ điện ảnh lên sàn diễn Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024 như một khúc ca tri ân đến điện ảnh – nguồn cảm hứng vô tận, nơi nghệ thuật và thời trang cùng song hành trên hành trình vươn tới cái đẹp hoàn mỹ và nhân văn.

Được biết đến với kỹ thuật ghép vải tinh xảo và sử dụng các gam màu rực rỡ, thương hiệu Chula đã chinh phục giới mộ điệu không chỉ bằng vẻ đẹp của các bộ trang phục, mà còn bằng chiều sâu nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm.

Bộ sưu tập nhằm tôn vinh lịch sử phong phú của điện ảnh thông qua từng mẫu thiết kế.

Laura Fontan và Diego Cortizas, hai nhà sáng lập thương hiệu đã luôn giữ vững niềm tin rằng mỗi con người đều có những nét độc đáo riêng. Chính vì thế, từ lâu Chula Fashion đã trở thành mái nhà cho những nghệ nhân khiếm thính, nơi họ vừa có công việc vừa tìm thấy tiếng nói của mình qua từng đường kim mũi chỉ.

Trở lại với “Cinema,” bộ sưu tập nhằm tôn vinh lịch sử phong phú của điện ảnh thông qua từng mẫu thiết kế. Bằng cách tôn vinh điện ảnh - một trong những loại hình nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn nhất như vậy, Chula Fashion muốn gửi gắm thông điệp về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, rằng thời trang cũng như điện ảnh, không ngừng phát triển và thay đổi nhưng luôn giữ lại những giá trị cốt lõi.

Và câu chuyện về điện ảnh ấy được kể qua lăng kính thời trang, một cuộc hồi sinh của quá khứ - nơi nghệ thuật thứ bảy thể hiện qua các thiết kế sáng tạo và tinh tế. Mỗi bộ trang phục tựa như một khung cảnh trong các bộ phim kinh điển, hòa trộn giữa tính thẩm mỹ đương đại với nguồn cảm hứng lịch sử.

Những chiếc váy dài duyên dáng với họa tiết phác họa chân dung các nhân vật điện ảnh kinh điển, những điểm nhấn họa tiết độc đáo lấy cảm hứng từ các chất liệu gắn với phim ảnh như máy quay, máy chiếu, và tấm phim cổ điển, vé xem phim, bỏng ngô... mang lại cảm giác hoài cổ mà vẫn hiện đại, gợi nhắc đến phong cách nghệ thuật của trường phái trừu tượng và sự đa dạng của ngôn ngữ hình ảnh trong điện ảnh dưới “ngòi bút” thời trang của nhà mốt.

Nhà thiết kế người Tây Ban Nha đã ưu ái lựa chọn gam màu đen, trắng trở thành gam màu chủ đạo trong bộ sưu tập lần này, tạo nên sự tương phản đầy cuốn hút. Các mảng màu đối lập được sắp xếp khéo léo, khiến người xem liên tưởng đến kỹ thuật hình ảnh trong các bộ phim đen trắng kinh điển, đồng thời tôn vinh phong cách tối giản và sang trọng.

Bên cạnh đó, những màu sắc tươi sáng và sự hài hước vui tươi, đặc điểm của điện ảnh, cũng được truyền tải trong các thiết kế, nhằm nắm bắt được bản chất của hình ảnh chuyển động cũng như tinh thần của Chula trong việc truyền bá niềm vui và sự sáng tạo thông qua phương tiện là trang phục.

“Cinema” cũng là minh chứng cho hành trình hai thập kỷ bền bỉ lao động, sáng tạo của nhà sáng lập ra thương hiêu này tại đất nước hình chữ S, nơi tình yêu với văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đã thấm vào từng đường nét sáng tạo trên mỗi thiết kế.

Các mảng màu đối lập được sắp xếp khéo léo, khiến người xem liên tưởng đến kỹ thuật hình ảnh trong các bộ phim đen trắng kinh điển, đồng thời tôn vinh phong cách tối giản và sang trọng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu qua lăng kính thời trang

Góp mặt trong dòng chảy đa sắc màu của các nhà thiết kế, thương hiệu tham gia tuần thời trang, nhà thiết kế Cao Minh Tiến đã giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập “Đủng Đỉnh,” thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa và nghệ thuật.

Vốn đề cao các chất liệu truyền thống, Cao Minh Tiến luôn đau đáu câu hỏi làm thế nào để đưa bản sắc văn hóa Việt hội nhập với dòng chảy thời trang thế giới và quảng bá văn hóa dân tộc đến gần hơn với giới trẻ cũng như cuộc sống thường ngày. Chấp niệm này trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh trong lần quay trở lại sàn diễn Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024.

Cao Minh Tiến cho biết “Đủng đỉnh” được làm từ chất liệu gấm quý hiếm của Nhật Bản, kết hợp cùng các họa tiết mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Mỗi thiết kế là một bản hòa ca vừa trang trọng, vừa phóng khoáng, đồng điệu với ý niệm về sự “đủng đỉnh,” thong dong, chậm rãi trong từng đường nét sáng tạo.

Bằng tất cả tình yêu với chất liệu truyền thống, cảm hứng từ gấm cao cấp và các họa tiết tinh xảo, Cao Minh Tiến quyết định lựa chọn vải Obi - một loại vải truyền thống quý giá từ Nhật Bản làm điểm nhấn đặc biệt cho bộ sưu tập của mình.

Việc khai thác loại vải Obi dệt thủ công, từng sợi đều được chăm chút tỉ mỉ và mỗi tấm vải là một “tác phẩm độc bản” đã giúp bộ sưu tập tái hiện được vẻ đẹp truyền thống qua lăng kính thời trang, đưa người xem vào hành trình giao thoa Đông - Tây.

Có thể nói, Cao Minh Tiến đã khéo léo mượn ngôn ngữ thời trang để kể câu chuyện của “Đủng đỉnh” với hai phần riêng biệt. Ở phần một của bộ sưu tập, nhà thiết kế đã bộc bạch với khán giả về hành trình chắt lọc công phu những phác thảo ban đầu cho đến thành phẩm cuối cùng.

Các trang phục với gam màu nâu be, trắng, điểm xuyết sắc đỏ như những trang nhật ký sống động, ghi lại từng bước nhỏ trong quá trình sáng tạo ấy - từ các đường phác thảo nguệch ngoạc, những bản rập cắt may, từng mảnh vải được sắp xếp, gắn kết với nhau để dần thành hình.

Phần trình diễn thứ hai, bộ sưu tập trở về với những nét đặc trưng của Cao Minh Tiến, “lăng-xê” chất liệu dân gian Việt Nam. Vốn đã “quen thuộc” nhưng đây là lần đầu tiên “Tín ngưỡng thờ Mẫu” được Cao Minh Tiến thổi hồn vào thời trang - một hình thái văn hóa giàu ý nghĩa trong đời sống tâm linh người Việt.

Nhà thiết kế gốc Hà Thành đã khéo léo lồng ghép các phom dáng và chi tiết trong trang phục hầu đồng, như áo dài nhiều tầng, khăn chầu cùng cách phối màu đa dạng, tạo nên những thiết kế vừa quen thuộc vừa cách tân.

Một trong những điểm nhấn đặc sắc nhất của “Đủng đỉnh” là màn trình diễn hầu đồng của Mister Vietnam 2024 Nguyễn Mạnh Lân khiến cả khán phòng “đứng ngồi không yên.” Khoác trên mình bộ áo dài gam màu đỏ đen, kết hợp giữa hoa văn truyền thống và chi tiết hiện đại, màn tái hiện văn hóa thờ Mẫu của Mạnh Lân đã tạo nên một trải nghiệm đầy màu sắc và chiều sâu, đưa khán giả như được hòa mình vào dòng chảy văn hóa huyền bí.

Với “Đủng đỉnh,” Cao Minh Tiến đã khéo léo dựng lên một “sân khấu văn hóa” trên sàn runway. Sự phối hợp tinh tế giữa trang phục, phụ kiện và trình diễn đã mang đến trải nghiệm trọn vẹn, vượt qua khía cạnh thẩm mỹ đơn thuần và đưa thời trang lên thành một hình thức nghệ thuật đích thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục