Khi Syria trở lại bàn cờ vùng Vịnh: Nhân tố của cuộc cạnh tranh mới?

Một vấn đề nảy sinh là việc đưa Syria trở về gia đình Arab có thể biến nước này trở thành một nhân tố đối với cuộc cạnh tranh giữa các nước.
Khi Syria trở lại bàn cờ vùng Vịnh: Nhân tố của cuộc cạnh tranh mới? ảnh 1(Nguồn: saudi24news.com)

Theo báo Độc lập (Nga), người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia, ông Khalid bin Ali al-Humaydan, đã có cuộc trao đổi trực tiếp với người đứng đầu cơ quan tình báo Syria Husam Luka ở Ai Cập, song không nói rõ thời điểm cụ thể.

Theo truyền thông địa phương, cuộc gặp này một lần nữa chỉ ra triển vọng bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Syria.

Quá trình tái thiết lập quan hệ với Damascus đã trở thành xu hướng chung của các nước đóng vai trò quan trọng ở vịnh Persia, phản ánh mối quan ngại của họ về việc khu vực này có thể đi tới đâu sau khi Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là việc đưa Syria trở về gia đình Arab có thể biến nước này trở thành một nhân tố đối với cuộc cạnh tranh giữa các nước.

[Triển khai các kế hoạch hỗ trợ hồi phục hậu xung đột tại Syria]

Cuộc gặp giữa hai người đứng đầu cơ quan tình báo của Saudi Arabia và Syria đã diễn ra ở Cairo khoảng một tuần trước, nhưng đến nay mới được công bố.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin về các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cơ quan tình báo hai nước.

Hồi đầu tháng 5/2021, truyền thông Arab đưa tin Riyadh đã có động thái đặc biệt khi cử một phái đoàn cấp cao do ông al-Humaydan dẫn đầu tới Damascus để đàm phán về triển vọng can dự ngoại giao.

Phần lớn các nước trong thế giới Arab đã cắt đứt quan hệ chính thức với Syria khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang ở nước này, thể hiện sự ủng hộ đối với các nhóm chống chính phủ, đồng thời chỉ trích Damascus đàn áp thô bạo phe đối lập.

Syria đã bị trục xuất khỏi Liên đoàn Arab (AL) và đối mặt với sự cô lập ở mức độ rộng lớn hơn.

Một bước ngoặt trong năm 2021 là việc Bộ trưởng Du lịch Syria Mohammad Rami Martini được mời tham dự hội nghị Tổ chức Du lịch Thế giới tại Riyadh.

Giới chính trị gia và nhà phân tích ở Trung Đông đặc biệt chú ý đến chi tiết Bộ trưởng Du lịch Syria và cấp dưới của ông đi qua khu vực dành cho nhân vật quan trọng tại sân bay thủ đô Riyadh.

Trong bối cảnh đó, kênh truyền hình Al Jazeera thậm chí còn đưa tin về việc nhà cầm quyền Saudi Arabia sẵn sàng xem xét lại quan điểm về tính hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad, chỉ ra rằng cá nhân Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman quan tâm đến việc "tan băng."

Cố vấn của Tổng thống Syria Busseina Shaaban đã đưa ra những dự báo tích cực về sự phát triển mối quan hệ Syria-Saudi Arabia. Bà Shaaban bày tỏ hy vọng “những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Saudi Arabia và Damascus có thể sớm mang lại kết quả tích cực."

Một trong những nước đi tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Syria là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã mở lại đại sứ quán của mình ở Syria hồi năm 2018.

Một tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã có chuyến thăm lịch sử tới Damascus, cùng với Quốc vụ khanh Khalid Shahin al-Marar và người đứng đầu Văn phòng Liên bang UAE về Danh tính, Quốc tịch, Hải quan và An ninh cảng, Ali Muhammad al-Shamisi.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Syria Assad, Ngoại trưởng UAE đã nêu vấn đề phát triển hơn nữa quan hệ song phương.

Một ngày trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại thương Syria Mohammad Samer al-Khalil đã gặp Bộ trưởng Ngoại thương UAE Thani bin Ahmad Al-Zeyudi.

Theo hãng thông tấn SANA của Syria, cuộc gặp diễn ra tại triển lãm Expo Dubai đã đề cập đến chủ đề mở rộng hợp tác kinh tế “giữa hai nước anh em.”

Theo ông al-Khalil, "việc thiết lập các phương thức hội nhập kinh tế và phát triển trao đổi trong một số lĩnh vực quan trọng của hai nước đã được thảo luận."

Damascus và Abu Dhabi đã thiết lập các tương tác kinh tế tối thiểu. Bộ Kinh tế UAE cho biết trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch thương mại phi dầu mỏ của nước này với Syria đạt 272 triệu USD.

Nhận xét về việc nối lại quan hệ hợp tác giữa Syria và Saudi Arabia, Giáo sư Khoa Chính trị Thế giới tại Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (MGU), ông Grigory Kosach lưu ý rằng đây là sự kết hợp đa dạng có liên quan đến cả Mỹ và Iran.

Chuyên gia lưu ý: “Trong trường hợp này, điều quan trọng không phải là Syria mà là thái độ của Mỹ đối với Saudi Arabia. Câu hỏi này đặt ra ngay từ đầu. Mỹ sẽ phát triển quan hệ với Iran ở mức độ nào và vấn đề về thái độ của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Iran sẽ được giải quyết ở mức độ nào?”

Theo ông Kosach, việc giải quyết những vấn đề này sẽ dẫn đến những thay đổi thực sự hơn trong quan điểm của Saudi Arabia đối với Iran.

Thực tế, bản thân Riyadh cũng tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Tehran.

Giáo sư Kosach chỉ ra những tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, ông Faisal bin Farhan, người nói rằng mặc dù cuộc đối thoại với Iran đang diễn ra trong bầu không khí thân mật, nhưng hiệu quả của nó vẫn còn thấp.

Vị giáo sư này bình luận: “Vấn đề dàn xếp với Iran sẽ tự động dẫn đến vấn đề về việc gỡ bỏ quyền phủ quyết đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab và khôi phục quan hệ. Hơn nữa, một số quốc gia vùng Vịnh, vốn là những nước tích cực phản đối chế độ Syria - cụ thể là UAE - đang thực hiện các bước đi nghiêm túc theo hướng này và Saudi Arabia không thể không tính đến bối cảnh đó.”

Ông Kosach không loại trừ rằng khi Damascus trở lại gia đình Arab, một số mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh có thể ảnh hưởng đến đấu trường Syria.

Chuyên gia này lưu ý: “Đây là một sự phát triển hoàn toàn có thể xảy ra sau các chuỗi sự kiện. Hơn nữa, UAE đang đi đầu xu hướng này và họ đã làm khá đủ để phát triển quan hệ với Syria. Saudia Arabia đang bị tụt hậu theo nghĩa này. Một vấn đề khác là ai sẽ hậu thuẫn cả hai nước này. Trong một thời gian dài, tôi không có thông tin về bất kỳ cuộc trao đổi nào về những gì liên quan đến cái gọi là nền tảng Riyadh của phe đối lập Syria. Không có đàm phán cũng như gặp gỡ. Mặc dù vấn đề này hiện đã bị gạt sang một bên song có thể trở thành nền tảng trong tương lai."

Ông Kosach nhận định rằng các hành động của UAE là nhằm phát triển quan hệ với chính chế độ Assad, trong khi đó Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ đưa ra lựa chọn có lợi cho cả Assad và phe đối lập ở Syria.

Kosach kết luận: “Vì vậy, những bất đồng này có thể trở thành hiện thực ở một giai đoạn nào đó”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục