Làng nghề chày thớt Phú Long ở khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã tồn tại và phát triển từ hơn nửa thế kỷ qua.
Đến nay, cái chày, tấm thớt Phú Long không những được ưa chuộng trên thị trường trong nước mà đã vươn xa ra thị trường các nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Lái Thiêu xưa vốn là vùng đất hoang sơ, có nhiều rừng nên nghề mộc nơi đây phát triển rất sớm nhờ nguồn nguyên liệu gỗ phong phú. Theo những người có kinh nghiệm làm chày, thớt ở Phú Long, người sáng lập ra làng nghề này là ông Hai Thiệt.
Ban đầu, từ những khúc gỗ thừa của các xưởng mộc trong làng, ông mang về để tận dụng làm thớt. Sẵn nguồn nguyên liệu, lại nắm bắt nhu cầu của bà con trong vùng, ông Hai Thiệt làm thớt để bán, rồi truyền nghề lại cho con cháu sau này.
Làng nghề dần được hình thành từ thời điểm những năm 1960 của thế kỷ trước và cũng để ghi công ông Hai Thiệt, người làng sau đó gọi ông là Hai Thớt.
Hiện làng nghề chày thớt Phú Long có hơn 20 cơ sở lớn, nhỏ làm việc quanh năm. Nếu trước đây một cơ sở khoảng 20 người làm thủ công chỉ được 300 thớt/ngày thì bây giờ với sự hỗ trợ của máy móc có thể sản xuất được 2.000 thớt/ngày.
Ở nhiều cơ sở sản xuất lớn, sản phẩm chày, thớt Phú Long còn đăng ký thương hiệu và bán trong các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Quảng, chủ Công ty Phú Long Tân, một người tâm huyết và đam mê với nghề làm chày, thớt và đã có công trong việc đưa sản phẩm này ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Quảng, trước sự cạnh tranh của thị trường, ông tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, chất lượng cao. Đến năm 1997, ông Quảng đã tập hợp một số cơ sở nhỏ lẻ, mạnh dạn đứng ra đăng ký thương hiệu chày, thớt, cối Phú Long, và bắt đầu tiếp thị các sản phẩm này vào các siêu thị bày bán.
Đây chính là động lực để ông Quảng tiếp tục liên hệ với một số Việt kiều để đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở nước ngoài. Và nhờ vậy, chày, thớt, cối Phú Long đã có hướng đi mới và đến với thị trường các nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Để làm ra một chiếc thớt thành phẩm phải trải qua 20 công đoạn, trong khoảng thời gian tới 4 tháng, tính từ lúc cây gỗ làm thớt được đốn hạ. Trong mỗi công đoạn làm thớt, sấy gỗ là quan trọng nhất và chính ông Nguyễn Quảng là người nghĩ ra phương pháp sấy để sản phẩm không bị ẩm mốc, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Quảng đã tìm công thức sấy, đó là từng tấm thớt sau khi cưa có độ dày phù hợp sẽ cho vào lò sấy với nhiệt độ từ 600-800 độ C trong thời gian từ 10-15 ngày. Sấy xong đem bào hai mặt, chà nhám, đánh bóng và cuối cùng là lót keo để giữ cho bề mặt thớt luôn bóng đẹp.
Nghề làm chày, thớt Phú Long tạo ra các sản phẩm liên quan đến cuộc sống hàng ngày, phục vụ bữa cơm gia đình nên thợ làm chày, thớt ở đây bao nhiêu năm nay đều không lo sợ hết việc bởi nhu cầu thiết yếu của thị trường. Điều đặc biệt là các sản phẩm chày, thớt, cối đều tận dụng được mọi thứ từ thân cây để làm nguyên liệu.
Nhánh cây lớn được cưa ra từng khúc để tiện thành cối, nhánh nhỏ hơn thì dùng làm chày. Do vậy, khi làm chày, thớt, cối có thể mua cả cây từ gốc đến ngọn mà không lo lãng phí gỗ.
Với ông Nguyễn Quảng, ngoài việc tìm cách đưa sản phẩm chày, thớt, cối Phú Long xuất khẩu ra nước ngoài, ông còn truyền nghề cho những người thợ trẻ tuổi ở làng nghề.
Trong quá trình sản xuất, ông cũng cùng bà con làm nghề chia sẻ những kỹ thuật, kinh nghiệm với nhau. Tất cả vì một mục đích chung là đưa làng nghề chày thớt Phú Long ngày càng phát triển, vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế./.