Khi nông nghiệp nông thôn là "cánh cửa thoát hiểm"

Theo thống kê từ vài năm qua, khi dòng vốn cho vay đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh... đều khó thu hồi nợ thì tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) vẫn tăng trưởng tốt và ít nợ xấu.

Đến bây giờ, nhiều ngân hàng đã nhận ra rằng, từng đồng bạc lẻ cho vay tới người nông dân lại chính là điểm tựa an toàn cho ngân hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo thống kê từ vài năm qua, khi dòng vốn cho vay đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh... đều khó thu hồi nợ thì tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) vẫn tăng trưởng tốt và ít nợ xấu. Đến bây giờ, nhiều ngân hàng đã nhận ra rằng, từng đồng bạc lẻ cho vay tới người nông dân lại chính là điểm tựa an toàn cho ngân hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhất sĩ nhì nông Chính vì vậy, thời gian qua, không ít ngân hàng đã hướng tín dụng về địa bàn nông thôn, coi đó là “cánh cửa thoát hiểm” trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi để cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, LienVietPostBank. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định đây là một trong bốn lĩnh vực ưu tiên mà ngành ngân hàng cần tập trung đầu tư vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước và ảnh hưởng đến số đông người dân như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản… góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực này. Theo tiến sỹ Nguyễn Ðức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên LienVietPostBank, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, nợ xấu tăng cao, thì đối tượng khách hàng nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một kênh đầu tư an toàn, ổn định dù lợi nhuận có thể không bằng cho vay một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực này thường là các món vay nhỏ lẻ nên ngân hàng cũng không phải lo nợ xấu. Năm 2012, Ngân hàng này dành khoảng 6.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực tam nông. Chính vì vậy, ông Hưởng cho biết, năm 2013, LienVietPostBank dự kiến tăng gấp đôi nguồn tín dụng so năm ngoái để dành cho vay lĩnh vực tam nông. Ngoài ra, ngân hàng cũng xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn đối với đối tượng này nhằm góp phần xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. "Tiền tươi, thóc thật" Với vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, nhiều năm qua dư nợ cho vay của Agribank đã được điều chỉnh mạnh về cơ cấu để tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, năm 2013, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Agribank tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng đang cố gắng tích cực huy động vốn ở tất cả các kênh trong nước và nước ngoài để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn ở mức hơn 12%, còn ở những địa bàn còn nhiều tiềm năng tăng khoảng 15%, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ đẩy lên hơn 70% tổng dư nợ cho vay. Thực tế từ chuyến công tác đến một số tỉnh khu vực phía Nam mới đây, chúng tôi nhận thấy việc cho vay tới lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thật sự an toàn và hiệu quả. Tại chi nhánh Agribank Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang, người dân đến giao dịch rất đông, thậm chí phải xếp hàng để chờ đến lượt trả nợ và tái vay vốn cho vụ tới. Hòn Đất- vùng đất thuộc tứ giác Long Xuyên được thiên nhiên ưu đãi nên rất thích hợp cho trồng lúa. Với khoảng 98 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó có 75ha trồng lúa hai vụ, mảnh đất của quê hương chị Sứ trong năm 2012 đã đạt sản lượng 936 ngàn tấn lúa, mục tiêu trong năm 2013 sẽ chinh phục mốc 1 triệu tấn lúa. Nếu đạt được, đây sẽ là huyện đầu tiên trong cả nước có được con số đáng mơ ước này. Gia đình ông Đỗ Văn Danh, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất có 5 ha trồng lúa, mỗi vụ ông vay của Agribank Hòn Đất 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 12%/năm. Mặc dù chưa thu hoạch xong nhưng vì thu đến đâu bán luôn thóc tươi đến đấy nên gia đình ông đã dồn đủ số tiền trả nợ ngân hàng để sắp tới sẽ làm sổ vay tiếp. Ông Danh cho biết, chi phí cho một ha lúa hiện nay khoảng 28-30 triệu đồng, trong khi giá một kg thóc là 4.450 đồng, mà mỗi một ha cho 10 tấn thóc. Như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi một ha cũng cho lãi khoảng 14 triệu đồng. Ông Vương Công Toại, Giám đốc chi nhánh Agribank Hòn Đất chia sẻ: “Cứ mỗi khi vào vụ thu hoạch gần xong là bà con lại xếp hàng để trả nợ ngân hàng. Có những ngày cao điểm, chi nhánh đã giải ngân tới 10 tỷ đồng, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người nông dân. Nhân viên ngân hàng chẳng bao giờ phải đi đòi nợ, chính vì vậy nợ xấu của Agribank Hòn Đất chỉ có 0,06%.” Ông Toại cho biết, huy động vốn trong năm 2012 của chi nhánh đạt 130 tỷ đồng nhưng doanh số cho vay lên tới 500 tỷ đồng, dư nợ riêng cho cây lúa là 430 tỷ đồng, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 80% tổng dư nợ. Hiện nay, tín dụng không chỉ dành cho cây lúa là an toàn mà cho vay trồng cây cao su, chăn nuôi gà, lợn đều cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Lương Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư nhân Long Hải - Nhật Trường ở xã An Phú, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước cho biết, bà đã vay vốn của Agribank chi nhánh Bình Long hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ Công ty nợ quá hạn ngân hàng. Những ngày đầu mới đến An Phú khai hoang, bà Hải chỉ được ngân hàng cho vay 1 triệu đồng, nhưng đến nay Công ty đã được Ngân hàng cho vay 45 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 6.000 tấn/năm. Tổng dự toán xây dựng Nhà máy này khoảng 81 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng đã giải ngân được 25 tỷ đồng. Từ bước phát triển ban đầu với vài ha trồng mía, đến nay Công ty đã trồng 266 ha cao su, mỗi năm cho doanh thu khoảng 12 tỷ đồng và lãi ròng thu về khoảng 5 tỷ đồng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tam nông đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều năm nay, các chính sách tín dụng cho lĩnh vực này liên tục được thay đổi, theo hướng tăng về nguồn vốn và mở rộng đối tượng. Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi các thông điệp khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, coi đây là định hướng chính sách tín dụng ưu tiên hàng đầu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, mức độ “mặn mà” của các tổ chức tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Các ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, nguyên nhân không phải vì các ngân hàng thiếu vốn mà ngoài các rủi ro về thị trường, ngành nông nghiệp còn có nhiều rủi ro bất định khác như rủi ro thời tiết, rủi ro mùa vụ... chính vì vậy nhiều tổ chức tín dụng ngại cho vay đối với lĩnh vực này.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến 31/12/2012 như sau:

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng (chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách Xã hội) đạt khoảng 538.980 tỷ đồng, tăng 8% so với dư nợ cuối năm 2011 và tăng gần gấp đôi so với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại thời điểm cuối năm 2009 (là năm trước khi triển khai Nghị định 41). Tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 18% so với tổng dư nợ nền kinh tế, nếu tính cả Ngân hàng Chính sách thì tỷ lệ này đạt gần 22%.
 
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục