Khi người nông dân Đà Bắc ‘rũ bùn’ làm du lịch cộng đồng

Xứ này, sau bốn năm thật khác, như các cụ xưa hay ví về người con gái đẹp, Đà Bắc nay đã “đỏ da thắm thịt” hơn từ khi có bàn tay du lịch cộng đồng chăm bẵm, một sinh khí đầy mới mẻ bao trùm.
(Ảnh: Tố Linh/Vietnam+)

Có một nơi, chỉ cách Hà Nội hơn 100 km thôi và thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, nhưng lại có cả “Sapa và Hạ Long” trong lòng. Đầu Xuân thong dong vãn cảnh, lên huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), tin tôi đi, chỉ hai ngày cuối tuần thôi, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, ở một nơi du lịch hoàn toàn mới và hầu như chưa bị "thương mại hóa."

Nơi mà đến đây, bạn sẽ bắt gặp những quầy hàng “tự giác,” người mua chỉ cần bỏ số tiền tương ứng với giá trị món hàng vào chiếc giỏ nan xinh xắn rồi xách hàng đi. Cảm giác bình yên và thích thú về một miền quê chợt len lỏi...

Có thể nói rằng sau 4-5 năm làm du lịch cộng đồng, những người nông dân xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc đã mang đến một diện mạo thật khác, đầy khởi sắc cho vùng quê nghèo, cái xứ ven Đà Giang ở tận cùng của tỉnh Hòa Bình này.

Bài 1: Những cô gái Mường "xắn tay" làm du lịch

Xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) về đêm tĩnh lặng như tờ, chỉ nghe bên tai tiếng côn trùng rỉ rả, gió núi rít qua vách gỗ nhà sàn, hương bưởi cuối mùa thoang thoảng …

Trong giấc ngủ chập chờn của đêm lạ nhà, tôi loáng thoáng bóng những cô gái Mường thướt tha nhảy sạp, đống lửa bập bùng soi gương mặt cười hồn nhiên và giòn tan của lũ trẻ con được kẹo, cả những vạt hoa rừng dập dìu bướm, ong…

[Các khu vui chơi, giải trí ở Hà Nội tất bật chuẩn bị nghỉ lễ 30/4, 1/5]

Xứ này, sau bốn năm thật khác, như các cụ xưa hay ví về người con gái đẹp, Đà Bắc nay đã “đỏ da thắm thịt” hơn từ khi có bàn tay du lịch cộng đồng chăm bẵm. Người nông dân chân lấm rũ bùn đứng lên làm du lịch tạo ra một diện mạo mới mẻ đang phủ trên những mái nhà sàn ở xóm Đá Bia, những đoàn khách cả Tây lẫn ta mang đến một sinh khí đầy mới mẻ.

Nhưng để nhận được giải thưởng từ ASEAN ghi nhận là một trong ba Bản du lịch cộng đồng ASEAN 2019-2021, người dân địa phương, đặc biệt là những phụ nữ ở Đà Bắc đã phải vượt qua một hành trình chẳng dễ dàng.

Du khách đi đường sông đến xóm Đá Bia. (Ảnh: Vietnam+)

Vạn sự khởi đầu nan

Giống như bao cô gái Mường sinh ra và lớn lên cùng nương rẫy của tỉnh Hòa Bình, học xong cấp ba, Bùi Thị Nhềm (Ngọc Nhềm Homestay) lấy chồng rồi sinh liền hai đứa con. Những năm tháng khó khăn nhất ấy chồng lại xuống huyện học bổ túc văn hóa, chỉ còn mình cô bươn chải. Nhọc nhằn hằn cả lên khuôn mặt góc cạnh, đôi bàn tay khô sần và vóc người gầy guộc.

Tuổi thanh xuân nhẽ ra mỡ màng nhất của Nhềm đã bị những bữa rau rừng với hai đứa con và bao đêm mòn mỏi chờ chồng rút kiệt. Chục năm trước thôi, người dân xóm Đá Bia vẫn còn phải lo cái đói chứ nào biết đến chuyện làm du lịch cộng đồng. Họ còn phải lo cắm mặt lên nương sao tưởng tượng một ngày kia dành thời gian ngồi “luyện” tiếng Anh để giao tiếp với Tây…

Những phụ nữ như Nhềm, như chị Nhiệu, như Thúy, như Trang… ở xóm tận cùng của Đà Bắc ấy chưa bao giờ dám nghĩ về một tương lai xa vời như thế. Cho đến ngày AFAP – Quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (nay đổi tên thành AOP- The Australian Foundation for the Peoples of Asia and the Pacific Limited) đã mang đến diện mạo mới cho Đà Bắc, đưa mô hình du lịch cộng đồng đến với bà con, hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ năng cho người dân bắt tay làm du lịch với nhiều bỡ ngỡ.

Nhà sàn đón khách tại Ngọc Nhềm homestay. (Ảnh: Vietnam+)

Theo anh Vũ Tuyển, cán bộ AOP, dự án khảo sát và chọn thí điểm Đà Bắc bởi nơi này cảnh quan thiên nhiên đẹp như Hạ Long trên núi và vẫn còn hoang sơ.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho cả dự án và người dân, vì ở thời điểm đó, vùng đất này còn nhiều xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam, giao thông đường bộ không thuận tiện khi chỉ 30km từ trung tâm thị trấn vào các xóm mà thời gian di chuyển mất gần 2 giờ đồng hồ bởi đường núi nhỏ hẹp, cua tay áo lại hay bị sạt lở.

Hơn nữa, thời điểm 4-5 năm trước, người dân vẫn mang nặng tâm lý ngại chuyển đổi mô hình kinh tế do chưa biết và chưa hiểu lại thấy tương lai du lịch cộng đồng ở địa phương còn mù mịt. Họ cũng sợ không đủ sức gánh vác một công việc xa lạ, mới mẻ khi đặt lên bàn cân lấy sự yên ổn của gia đình. Và quan trọng hơn, là người dân thiếu vốn nên không dám dấn thân.

Ngày càng đông khách biết và tìm đến Đà Bắc. (Ảnh: Vietnam+)

Khi phụ nữ làm… trụ

Gặp lại Nhềm sau vài năm, thấy cô đã có bước tiến dài. Đã qua rồi những ngày đầu lóng ngóng với “bài học” trang trí phòng ở, dọn dẹp nhà vệ sinh, bếp, cách nấu đồ ăn và lên thực đơn… theo tiêu chuẩn; “bài học” về vệ sinh an toàn thực phẩm, nắm bắt tâm lý và cách đón tiếp khách, hạch toán sổ sách… Nay Nhềm đã là trụ cột chính, quán xuyến được mọi việc.

Vừa leo hơn trăm bậc lên tới thềm nhà còn chưa kịp thở, Nhềm đã kéo tuột tay tôi nói “chị đi theo em xem cái này.” Lên tới khu vườn trên, chỗ có căn nhà sàn mà trước đó là gốc mít, Nhềm bảo “em mới dựng thêm cái này để mở rộng chỗ nghỉ cho khách. Đây là sàn thứ ba rồi chị ạ.”

Rồi cứ thế Nhềm say sưa kể về những dự định mà hai vợ chồng đang ấp ủ, về kế hoạch lớn mà chồng muốn làm nhưng cô còn băn khoăn, về thành quả mà thời gian qua cô đã phải vất vả, nỗ lực ra sao mới có… Nhềm vẫn gầy như thế, chỉ có điều ánh mắt nay mạnh mẽ và đầy quyết liệt.

Sau 4 năm, Đà Bắc trở thành một trong ba Bản du lịch cộng đồng được ASEAN ghi nhận. (Ảnh: Mai Anh/Vietnam+)

Mà lạ là, ở xã Tiền Phong, trong gần chục homestay mở ra, đàn ông thường đứng bếp giỏi hơn phụ nữ, trong khi cánh chị em lại thường đứng ra lo phần… đối ngoại. Như Nhềm, nhiều hôm còn thấy cô mời rượu tiếp khách thay cả chồng và rất nhiệt tình giao lưu.

Nhềm bây giờ tự tin với những tính toán dành cho homestay. Bởi cô cứ vừa làm vừa học hỏi vừa tích lũy kinh nghiệm. Thậm chí, cô tự mình khám phá những cung đường mới để dẫn khách Tây đi trekking xuyên rừng. Tinh thần ấy của Nhềm đã lan tỏa khắp xóm, để các hộ dân khác có động lực làm theo./.

Bài 2 - Diện mạo mới từ những “hạt giống” đầu tiên ở Đà Bắc

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục