Khi ngày tôn vinh tình yêu trùng mùng Một Tết

Năm nay, lễ Tình yêu trùng mùng Một Tết, nên nhiều người loay hoay không biết làm gì để giao hòa yêu thương trong ngày đặc biệt này.
Những năm gần đây, Việt Nam du nhập khá nhiều ngày lễ của nước ngoài như Ngày của Mẹ, Ngày của Bố, ngày Hallowen… nhưng ngày Valentine (14/2), ngày tôn vinh tình yêu đôi lứa được chú ý hơn cả.

Ngày lễ này ở các nước phương Tây không chỉ dành cho những đôi lứa chưa lập gia đình mà là cho tất cả những người đang yêu, cho các cặp vợ chồng dù trẻ hay già, cho cả những người yêu nhau không thành... Cả nam và nữ cùng tặng nhau các món quà trong ngày lễ này như sự trân trọng, nuôi dưỡng tình yêu.

Không phải những năm gần đây, khi ngày lễ Tình yêu du nhập vào Việt Nam, những đôi lứa yêu nhau mới có dịp để thể hiện tình yêu. Trong phong tục tập quán của người Việt cũng có nhiều dịp đã trở thành điểm hẹn cho tình yêu đôi lứa như phiên chợ tình Sa Pa ở tỉnh Lào Cai, phiên chợ tình Khâu Vai ở tỉnh Hà Giang, có từ rất lâu đời ở khu vực miền múi phía Bắc. Đó là nơi để các nam thanh nữ tú ở các làng xã vùng xa tụ họp, gặp gỡ, giao lưu tình cảm.

Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết và hẹn gặp lại trong phiên chợ sau và mùa xuân sau, trong số đó có không ít đôi đã trở thành bạn trăm năm. Chợ tình Khau Vai còn là địa điểm để những người có mối tình trắc trở hẹn nhau về đây, tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách.

Có lẽ, do nhiều nét tương đồng như thế giữa Ngày lễ Valentine của các nước phương Tây với truyền thống trọng tình, trọng nghĩa của người Việt mà như một điều tự nhiên, nó đã trở thành ngày lễ quen thuộc với nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Những ngày trước lễ Tình yêu, các cửa hàng bán đồ lưu niệm trở nên đông đúc, tấp nập khác thường, nhiều dịch vụ “ăn theo” mọc lên như nấm như “áo đôi, gối đôi cho Valentine”, “ghi âm bài hát tặng người thân yêu”.

Năm nay, lễ Tình yêu lại trùng vào mùng Một Tết Âm lịch, nhiều người loay hoay không biết phải làm gì để có thể giao hòa yêu thương trong ngày đặc biệt này. Một số bạn trẻ đã phải chọn mua quà cho người yêu của mình từ trước ngày lễ cả tuần vì sợ tới Tết không có dịch vụ nào mở cửa.

Anh Trần Khánh Nam, 25 tuổi ở phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội cho biết những dịp Valentine trước, Nam và bạn gái đều ở bên nhau. Nhưng năm nay, Nam đã chọn địa điểm thích hợp cho tối 14/2 mời bố mẹ hai bên và bạn gái đến để gặp mặt, vui vẻ bên nhau. Điều này, không những "vẹn cả đôi đường" mà còn tạo cơ hội để hai gia đình gắn bó với nhau hơn trong tương lai. Ý định của Trần Khánh Nam đã được các bậc phụ huynh và bạn gái ủng hộ.

Tuy nhiên, Hải Linh, chàng trai 28 tuổi, ở phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội lại đón Valentine tại bờ hồ Hoàn Kiếm dưới cơn mưa Xuân lất phất trong đêm chuyển giao năm cũ sang năm mới. Nam lý giải, sau 12 giờ đêm 13/2 là bước sang ngày 14/2, ngày lãng mạn của những cặp tình nhân, nên cùng với lời chúc mừng năm mới, Nam và bạn gái đã trao cho nhau những món quà xinh xắn, ý nghĩa, cùng câu nói yêu thương.

Song, với những cặp vợ chồng trẻ và đôi tình nhân lớn tuổi, ngày này cũng lãng mạn, hạnh phúc không kém. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đã thể hiện cách đón Valentine như "trong phim": nàng làm bắp rang bơ, chàng mở rượu vang, rồi ngồi trên ghế salon và bật bộ phim yêu thích lên xem trong ánh nến lung linh. Những "cặp đôi" lớn tuổi thì vui vẻ khoác tay nhau đi chúc Tết, nhấp li rượu xuân và lì xì cho con cháu trong nhà.

Bạn Nikol , người Đức, băn khoăn và cho rằng dịch vụ điện hoa “lười” không chịu nhận yêu cầu tặng hoa cô bạn gái người Việt Nam của mình vào đúng 14/2. Anh không hiểu nổi khi người chuyển hoa nói rằng sẽ rất “không hay” khi tới nhà người ta vào đúng mùng Một Tết.

Song, cũng không ít đôi lứa đã tìm ra những cách đầy sáng tạo để nhân đôi hạnh phúc như cùng nhau chào đón giao thừa, xem bắn pháo hoa và thể hiện lời yêu thương vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (0 giờ 0 phút ngày 14/2 tức mùng Một tháng Giêng năm Canh Dần).

Bạn Long, sinh viên trường Đại học Đại học Giao thông quyết tâm vượt chặng đường 200km đến nhà bạn gái vào chiều 14/2 để tỏ tình, không cần quan tâm đến những điều kiêng kị…

Còn với Chiến, sinh viên trường Đại học Sư phạm II Hà Nội đã tự tay làm tặng cho người yêu một trái tim nhỏ bằng gỗ có khắc tên hai người. Trước khi về quê ăn Tết, cậu cũng không quên “bí mật” gửi vào balô cho nàng một lá thư yêu thương kèm với phong bao lì xì và lời chúc mừng năm mới.

Nhưng, khi mà giới trẻ chuyển hướng, sâu lắng hơn, hướng nội hơn trong cách thể hiện tình yêu thì các dịch vụ ăn theo Lễ Tình nhân bối rối hơn bao giờ hết. Ngoài các dịch vụ cung cấp hoa tươi gần như "bỏ trống địa bàn", các shop quà tặng, thời trang đành chấp nhận "mùa con ong làm mật" diễn ra trong quãng thời gian ít ỏi dăm ba ngày trước đó.

Chị Trà My, chủ shop Chích bông ở đường Nghĩa Dũng, Hà Nội cho biết so với Valentine trước, năm nay sức mua giảm hẳn. Như năm ngoái, mặt hàng thời trang làm từ đá thạch anh tiêu thụ khoảng 25-30 sản phẩm/ngày trong khoảng thời gian một tuần mùa Valentine thì nay chỉ còn 10 sản phẩm/ngày.

Còn theo chị Ngọc Hường, chủ một shop quà tặng ở phố Bạch Mai, hà Nội vẫn biết Valentine năm nay rơi vào mùng Một Tết nên cửa hàng đã chủ động giảm lượng thiếp nhập ngoại khá nhiều, song vẫn không ngờ sức tiêu thụ thấp đến vậy.

Những người bán hàng quà tặng, thời trang ở phố Bạch Mai, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Tạ Quang Bửu của Hà Nội cũng cho biết ngày Lễ Tình nhân năm nay tương đối tĩnh lặng so với những năm trước. Sức mua giảm 30-40% so với năm ngoái.

Cũng theo các cửa hàng này, mùa Valentine này, nhẫn cặp, được làm từ chất liệu bạc, hợp kim, được các cặp tình nhân khá ưa chuộng. Năm nay, các bạn trẻ đã mạnh dạn trao nhau món quà ý nghĩa này thay vì chỉ đeo nhẫn cặp khi đính hôn hoặc kết hôn như trước. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu chân thành, là dấu hiệu chứng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa hai người trước bạn bè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục