Dự kiến, máy đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) nguồn gốc từ Italy của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ cập cảng Hải Phòng trong 2 đợt tháng 10 và tháng 12/2020.
Theo thông từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đầu tháng 8/2020, MRB đã cùng tư vấn dự án Systra và nhà thầu liên danh Hyundai-Ghella thực hiện chuyến kiểm tra thực địa tuyến đường để chuẩn bị cho công tác vận chuyển máy đào hầm TBM.
Sau khi khảo sát và so sánh giữa vận chuyển đường thủy và đường bộ từ Hải Phòng về Hà Nội, nhà thầu đã chọn phương án vận chuyển bằng đường bộ. Tuyến đường vận chuyển được nhà thầu đệ trình dài 193km, bắt đầu từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng về công trường ga S9-Kim Mã, Hà Nội và ghi nhận 40 vị trí có chướng ngại vật như cầu vượt, cầu đi bộ, hầm chui, dây điện, cổng soát vé…
“Để đảm bảo an toàn cho đoàn xe chở các kiện hàng siêu trường, siêu trọng khi di chuyển qua các cầu hạn chế tải trọng hoặc cầu yếu, nhất thiết phải thử tải và gia cố nâng cấp cầu để đảm bảo khả năng chịu tải của cầu,” đại diện MRB cho hay.
Được biết, công nghệ thi công đào hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội TBM của Italy và đang được áp dụng cho tuyến metro 1B (Bến Thành-Suối Tiên) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Máy đào hầm TBM dạng robot điều khiển giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5m đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành. Các máy sẽ khoan ở độ sâu 21-22m.
Việc lắp đặt máy đào thường được thực hiện ở dưới đáy hố đào hoặc hộp ga như dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội. Các bộ phận của máy đào được một cần cẩu siêu lớn chuyển xuống dưới lòng đất đề lắp ráp lại với nhau.
Quá trình đào, các chuyên gia phải kiểm soát áp lực và tránh nước chảy vào trong hố giếng hoặc hộp ga. Máy đào vận hành dựa trên nguyên tắc sử dụng lực đẩy và chuyển động về phía trước. Khối lượng đất thải tỷ lệ với tốc độ xoáy của vít tải…
[Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội về nước cuối tháng 10]
Hiện nay, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội sắp đón nhận đoàn tàu đầu tiên, khi phía Pháp đã tiến hành đưa đoàn tàu này rời khỏi cảng Dunkirk để về Việt Nam, dự kiến cập cảng Hài Phòng vào 24/10.
Đến tháng 8/2020, tiến độ tổng thể của toàn tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội đạt hơn 64%, trong đó riêng đoạn trên cao từ khu Depot tới ga S8 (Cầu Giấy) đạt 79%.
Riêng gói thầu CP09 liên quan đến hệ thống thẻ vé, hiện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang tích cực làm việc với Bộ Tài chinh và Bộ Tư pháp để hoàn tất thủ tục vay vốn.
Để vận hành, khai thác toàn tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ phải cần 624 người. Hiện đơn vị chủ đầu tư dự án đã xây dựng xong chương trình đào tạo đồng thời có các khóa đào tạo nhân sự vận hành./.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5km có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Thành phố Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn tuyến trên cao dài 8km từ Nhổn đến Cầu Giấy vào tháng 4/2021. Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. |