Khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ kết thúc?

Nhà kinh tế Ian Shepherdson cho rằng phương án giải quyết cuộc chiến thương mại tốt nhất của Trung Quốc là đợi tới sau bầu cử Tổng thống Mỹ, nghĩa là tới năm 2021.
Khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ kết thúc? ảnh 1Nông dân thu hoạch ngô tại Hastings, bang Minnesota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị điện đàm cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều có ý định ngăn chặn nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, khi nào thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới kết thúc? Đó là câu hỏi mà gần như vế trả lời chỉ tồn tại ở dạng dự đoán.

Trả lời phỏng vấn tờ Global Times mới đây, Giám đốc Trung tâm Chính sách công Trung Quốc thuộc Đại học Texas (Mỹ) David J. Firestein cho rằng chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay đang thiếu nhiều logic nội tại.

Dường như, ông Trump nghĩ rằng việc gây áp lực ở mức độ nào đó buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình và điều này có thể giúp ông gia tăng lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2018, cuộc chiến thuế quan đã khiến mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm 800 USD so với năm 2017. Giá thành hàng hóa tại Mỹ tăng, nhu cầu từ Trung Quốc giảm xuống gây tổn hại tới lợi ích của doanh nghiệp, công nhân và nông dân Mỹ.

Theo ông Firestein, hiện nay Tổng thống Trump đang đứng trước lựa chọn chiến lược: hoặc là làm “Tổng thống thuế quan” hoặc là “Tổng thống liên nhiệm."

Nếu tiếp tục chính sách đối với Trung Quốc hiện nay, ông Trump khó có thể đồng thời đạt được cả hai điều trên. Bởi nếu làm “Tổng thống thuế quan,” ông Trump sẽ mất đi sự ủng hộ của cử tri ở những bang quan trọng như Pennsylvania, Michigan… và không thể thắng cử. Để liên nhiệm, ông Trump phải kết thúc cuộc chiến thương mại, hơn nữa, phải kết thúc trước mùa Hè năm 2020.

Ở một góc nhìn khác, tờ Business Insider dẫn lời nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson thuộc Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Pantheon Macroeconomics cho rằng phương án giải quyết cuộc chiến thương mại tốt nhất của Bắc Kinh là đợi tới sau bầu cử Tổng thống Mỹ, nghĩa là tới năm 2021 để tiến hành đàm phán với Chính phủ mới ở Mỹ có lập trường nhất quán hơn.

Tuy nhiên, thời gian chờ đợi ông Trump ra đi có thể là một canh bạc đối với ông Tập Cận Bình vì Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và các biện pháp đó thậm chí còn dẫn tới thiệt hại lớn hơn.

Trong khi đó, không giống như Mỹ, Trung Quốc không có khả năng tài chính để kích thích nhu cầu trong nước vào năm tới để loại bỏ tác động của cuộc chiến thương mại.

Dẫu ông Trump có thể sẽ khiến Trung Quốc phải trải qua những ngày gian khổ hơn, nhưng vẫn không buộc được lãnh đạo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Trước đó, trong báo cáo đưa ra ngày 12/8, ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs cũng cho biết họ không còn kỳ vọng vào việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Một vấn đề khác tác động không nhỏ tới khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đến từ sự thay đổi của ông Trump.

[Tổng thống Mỹ nhận định về xung đột thương mại với Trung Quốc]

Theo tờ Economic Journal, gần 3 tuần trước, ông Trump đã bất chấp phản đối của quan chức cao cấp Nhà Trắng, quyết định từ ngày 1/9/2019 áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.

Với quyết định này, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm đều bị áp thuế bổ sung. Truyền thông Mỹ nhận định quyết định nêu trên của ông Trump chủ yếu xuất phát từ cân nhắc tới việc tạo thanh thế cho tranh cử.

Trong bối cảnh ông Trump cần làm gì đó để “ăn nói” với những người nông dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng vì vẫn chưa thể bán hàng cho Trung Quốc, ông Trump muốn sử dụng việc đánh thuế như một quân bài gây sức ép đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 13/8, ông Trump đã phải tuyên bố lùi thời hạn áp thuế với một số mặt hàng cụ thể trong số 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 sang 15/12/2019.

Sau đó ba hôm, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lại công bố danh sách 44 mặt hàng Trung Quốc được miễn áp thuế 10%, trị giá khoảng 7,8 tỷ USD.

Những điều chỉnh của Mỹ theo hướng “hạ cấp nguy hiểm” trong quyết định áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ở chừng mực nào đó nhằm giảm bớt tổn thất kinh tế gây ra, nhưng điều đó cũng cho thấy sách lược gây sức ép cực độ đối với Trung Quốc của ông Trump đã đạt tới giới hạn.

Cộng thêm việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ bất chấp Trung Quốc dù chỉ phù hợp với 1 trong 3 tiêu chí xác định nước thao túng tiền tệ, dường như Washington đang “loạn nhịp."

Thậm chí, chuyên gia thương mại Edward Alden thuộc Ủy ban Quan hệ ngoại giao Mỹ còn chỉ rõ quyết định lần này là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông Trump không hiểu gì về thuế quan, đang gây phương hại tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, cũng như làm suy yếu cơ hội đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào tháng 9/2019.

Nói cách khác, khi Mỹ đang “loạn nhịp,” khả năng Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại càng khó khăn hơn. Đó là chưa nói tới việc nếu như có thể lấy tĩnh chế động, lặng lẽ chờ thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào xu thế giảm, khiến ông Trump càng trở nên vội vàng hơn trong việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại, phía Trung Quốc càng có lý do để “đủng đỉnh,” tránh phải đưa ra quyết định khó khăn là thỏa mãn yêu cầu của phía Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục