Khi Mỹ - người thiết lập luật chơi lại phá vỡ luật chơi

Mỹ thường ủng hộ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chính các nhà lãnh đạo ở Washington đang làm xói mòn những quy tắc?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng tải trên trang Fulcrum của Singapore, Mỹ thường nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tuy nhiên, những động thái kinh tế gần đây cho thấy “người ủng hộ các quy tắc lại đang dẫm đạp lên chúng.”

Mỹ thường ủng hộ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chính các nhà lãnh đạo ở Washington đang làm xói mòn những quy tắc?

Nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ đã đặt câu hỏi này trước hàng loạt động thái kinh tế của Mỹ, đặc biệt là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

[EU tìm công cụ mới chống lại tác động của Đạo luật giảm lạm phát Mỹ]

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi IRA là động thái “cực kỳ hung hăng” chống lại các doanh nghiệp châu Âu.

Cụ thể hơn, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích 9 khoản khấu trừ thuế.

Các quan chức Hàn Quốc thậm chí còn coi đạo luật này là “sự phản bội” (nó phân bổ các khoản khấu trừ thuế cho các phương tiện và pin do Mỹ sản xuất).

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã cảnh báo “các khoản trợ cấp dành cho xe điện có thể mang tính phân biệt đối xử.”

Điều này khó có thể phù hợp với tuyên bố được lặp đi lặp lại của chính quyền Mỹ về việc duy trì trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc.

Trong bài phát biểu gần đây tại Viện Công nghệ Massachusetts, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã cáo buộc Trung Quốc về những hành vi không công bằng.

Trung Quốc đang vi phạm một loạt quy tắc và chuẩn mực kinh tế. Trung Quốc tham gia vào hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ để làm lợi cho các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp trong nước và cấm nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại đây.

Trung Quốc cũng có các tiêu chuẩn về lao động, môi trường cùng nhiều tiêu chuẩn khác thấp hơn so với những đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, sau tất cả những chỉ trích về các hành vi kinh tế của Trung Quốc, Chính quyền của Tổng thống Biden lại đang chuyển hướng phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách công nghiệp được nhà nước trợ cấp.

Bà Raimondo khẳng định: “Khả năng cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta phụ thuộc vào chương trình đầu tư trong nước đầy táo bạo vào các lĩnh vực chiến lược và quan trọng.”

Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) khẳng định “đầu tư công một cách chiến lược là xương sống của nền tảng công nghiệp và đổi mới mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.”

Và chính Tổng thống Biden gần đây đã hứa hẹn “thay vì dựa vào những con chip sản xuất ở nước ngoài như Trung Quốc, chuỗi cung ứng cho những con chip đó sẽ ở Mỹ.”

Việc các nước áp dụng chính sách công nghiệp riêng để cạnh tranh với Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý.

Lý tưởng nhất là điều này sẽ được thực hiện thông qua khái niệm mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi là “friend-shoring” (chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện) - tăng cường quan hệ kinh tế với các đồng minh và đối tác để giảm sự phụ thuộc quá mức vào các chính phủ không đáng tin cậy. Đây là một mô hình hấp dẫn.

Nhưng các đồng minh của Mỹ lo lắng rằng một số động thái của Mỹ gần đây (như IRA) dường như ưu tiên “re-shoring” (đưa hoạt động sản xuất, một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng từ nước ngoài về trong nước) hơn là “friend-shoring.”

Đôi khi, Washington thậm chí đã áp dụng các chính sách đe dọa việc “re-shoring” từ các nước thân thiện với Mỹ.

Khi các đồng minh thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ theo nguyên tắc này, các nhà lãnh đạo Mỹ đã có lúc gợi ý lãnh đạo các nước khác áp dụng các chính sách công nghiệp của riêng mình.

Tuy nhiên, điều này có thể bắt đầu một vòng luẩn quẩn. Tổng thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu Stefano Sannino cảnh báo, sẽ không hợp lý nếu “Mỹ đang trợ cấp cho một bên, còn EU trợ cấp cho bên khác.”

Điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vô ích, trong đó những nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc sẽ làm suy yếu các nguyên tắc cốt lõi của trật tự kinh tế toàn cầu.

Chính quyền của Tổng thống Biden thường đưa ra những luận điệu có lý. Bộ trưởng Yellen đã lập luận rằng các chính sách công nghiệp của Mỹ “không phải là một nỗ lực nhằm làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc và ngăn chặn sự phát triển của nó.”

NSS nhấn mạnh: “Mỹ một lần nữa phải tập hợp các đối tác xung quanh các quy tắc nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho phép người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng như của các đối tác và đồng minh trên khắp thế giới, phát triển thịnh vượng.”

Nhưng các hành động của Mỹ đã làm suy yếu những thông điệp này. Chính quyền trước đó của Tổng thống Donald Trump đã trích dẫn “an ninh quốc gia” khi áp đặt thuế quan đối với các đồng minh.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang đi theo con đường tương tự khi sử dụng cơ sở an ninh quốc gia để từ chối phán quyết gần đây của WTO cho thấy mức thuế như vậy vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và tiếp tục đóng băng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Các nhà lãnh đạo Mỹ cũng không sẵn sàng chấp nhận các hiệp định thương mại mới.

Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải nỗ lực hơn để thuyết phục các đồng minh và đối tác rằng “việc tách rời” một cách có chọn lọc không đơn thuần là hình thức bảo hộ.

Việc “tách rời” khỏi Trung Quốc có ý nghĩa nhất là trong những lĩnh vực ứng dụng quân sự.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã cam kết Mỹ bảo vệ “lợi thế công nghệ” trong 3 lĩnh vực: Công nghệ máy tính, công nghệ sản xuất sinh học, công nghệ năng lượng sạch. Máy tính có những ứng dụng quân sự rõ ràng, nhưng mối liên hệ quân sự và hai lĩnh vực công nghệ còn lại có vẻ chưa rõ ràng lắm.

Chính phủ Mỹ đang theo đuổi 2 hướng nỗ lực chính: Trợ cấp cho chính sách công nghiệp và khuyến khích đa dạng hóa thông qua “việc tách rời” một cách có chọn lọc.

Trợ cấp chính sách công nghiệp dựa trên các khuyến khích tích cực (ít nhất là đối với các công ty Mỹ) và nỗ lực còn lại dựa trên mối đe dọa của các hình phạt tiêu cực.

Nếu được phối hợp với các đồng minh và đối tác, hai chính sách này có thể củng cố lẫn nhau và củng cố các quy tắc kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu được tiến hành đơn phương, hai công cụ này sẽ có sự xung đột.

Trong trường hợp này, nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ tiếp tục bày tỏ sự thất vọng rằng Mỹ đang vi phạm một số quy tắc kinh tế mà Washington đã giúp tạo ra ngay từ đầu.

Trong bài phát biểu gần đây, Bộ trưởng Raimondo đã hứa “sẽ đưa hoạt động sản xuất, một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng từ nước ngoài về trong nước hoặc chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện.”

Đối với nhiều đồng minh của Mỹ, mối lo ngại là các chính sách của Washington có thể kích thích “đưa hoạt động sản xuất, một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng từ nước ngoài về trong nước” nhiều hơn là “chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện.”

Theo cảnh báo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, với những nước Đông Nam Á chọn làm bạn với Mỹ và Trung Quốc, cả hai khái niệm trên có thể cắt đứt họ khỏi các chuỗi cung ứng quan trọng và “chặn con đường tăng trưởng và hợp tác khu vực.”

Trong Khảo sát về tình hình Đông Nam Á được ISEAS công bố vào đầu năm nay, khu vực này đặt nhiều kỳ vọng vào chính quyền của Tổng thống Biden trong việc bảo vệ thương mại tự do toàn cầu. Khi năm 2022 kết thúc, họ có thể không còn chắc chắn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục