Sau khi Việt Nam thể hiện rõ mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP 26, dòng vốn của các quỹ đầu tư bắt đầu hướng đến các cổ phiếu có yếu tố bền vững, đặc biệt là về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Các cổ phiếu này ngày càng hiện diện rõ hơn trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại trong thời gian gần đây.
Định hình xu hướng đầu tư ESG
Trong tháng 9/2023, 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm 45,8% giá trị tài sản ròng của Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC) của Dragon Capital có tới 7 cổ phiếu nằm trong rổ 20 cổ phiếu có chỉ số phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất trên sàn HOSE. Đó là các doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam, bao gồm: FPT, VCB, MWG, VPB, PNJ, MBB, VNM.
Mục tiêu của quỹ là tìm kiếm lợi nhuận dài hạn từ tăng trưởng vốn gốc và cổ tức thông qua việc đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong các ngành cơ bản của nền kinh tế Việt Nam. Quỹ sử dụng phương pháp phân tích cơ bản làm nguyên tắc đầu tư chủ đạo nhằm thẩm định tiềm năng tăng trưởng, tính bền vững và rủi ro của các khoản đầu tư.
Tương tự, tại VinaCapital, top 10 cổ phiếu hàng đầu trong danh mục của Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaCapital (VINACAPITAL-VEOF) trong tháng 9 cũng có tới 6 cổ phiếu nằm trong rổ VNSI.
Không chỉ riêng 2 quỹ trên, khảo sát danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư ngoại khác đang rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, sự xuất hiện chủ yếu của các cổ phiếu trong rổ VNSI. Đây là chỉ số chứng khoán quan trọng thể hiện tính bền vững của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, gồm 20 cổ phiếu được HOSE định kỳ đánh giá và công bố vào tháng 7 hàng năm. Sự ưa thích cổ phiếu trong rổ này cho thấy điểm chung trong "khẩu vị" đầu tư của các quỹ này đang dần hướng đến sự phát triển bền vững.
Tại Hội nghị thường niên Nhóm Thông lệ thị trường năm 2023 lần thứ 10 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện các quỹ đầu tư cũng thể hiện rõ "khẩu vị" và xu hướng đầu tư ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, đầu tư ESG tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở các nước khác nhưng được cho là có nhiều tiềm năng thu hút vốn trong lĩnh vực này, vì Chính phủ đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Đặc biệt, sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025, thì xu hướng dịch chuyển đầu tư vào các cổ phiếu có yếu tố bền vững ngày càng rõ nét hơn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chẳng hạn, vào tháng 11/2022, UOB Asset Management Group (Singapore - UOBAM) đã ra mắt một sản phẩm chứng chỉ quỹ chuyên biệt về ESG tại thị trường Việt Nam, còn gọi là Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF). Đây cũng là quỹ mở đầu tiên trên thị trường tài chính Việt Nam áp dụng việc đánh giá chuẩn mức ESG song song với những tiêu chuẩn phân tích nền tảng cơ bản thông thường để lựa chọn cổ phiếu đầu tư.
Theo ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOBAM Việt Nam, UVEEF là sản phẩm quỹ mở áp dụng chiến lược đầu tư tích hợp ESG. Các cổ phiếu trong danh mục được đánh giá và lựa chọn dựa trên các yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng tốt kết hợp cùng với tiêu chí ESG.
Ngoài ra, trong danh mục của quỹ, không đầu tư vào các cổ phiếu trong một số ngành nghề có tác động rất không tốt tới môi trường như: các ngành khai thác than đá hay điện than.
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia nhiều hơn
Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, hiện nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế đều có chung nhận định là bộ tiêu ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Điều đó có nghĩa, trong thời gian sắp tới, các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch.
[Chuyên gia: Chứng khoán quý cuối năm không dễ kiếm lời]
Khảo sát của PwC về mức độ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết công bố gần đây cho thấy, người tiêu dùng, nhà đầu tư và nhân viên là những động lực chính thúc đẩy việc thực hiện cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết. Cùng lúc, các doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều áp lực hơn từ các nhà đầu tư và các bên liên quan so với các doanh nghiệp khác.
Rõ ràng, xu hướng đầu tư ESG rõ ràng đang ngày càng trở nên rõ nét trên thị trường tài chính Việt Nam, tuy nhiên, để tận dụng dòng vốn vào lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều vấn đề phải tháo gỡ, khắc phục.
Đáng chú ý, theo khảo sát của PwC, có tới 73% doanh nghiệp niêm yết được khảo sát cho rằng việc thiếu quy định minh bạch là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong việc tích hợp ESG vào khuôn khổ quản lý rủi ro.
Đặc biệt, ở nhiều doanh nghiệp niêm yết, việc định hướng thực hiện cam kết ESG chưa có sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao; trong đó, khoảng 64% số doanh nghiệp cho biết thiếu sự tham gia tích cực và quản trị minh bạch của hội đồng quản trị đối với chương trình nghị sự ESG; 44% doanh nghiệp không có lãnh đạo ESG rõ ràng.
PwC cho rằng, điều này trở thành một thách thức lớn khi hội đồng quản trị đóng vai trò nòng cốt trong việc giám sát các yếu tố ESG và tích hợp tính bền vững vào các chiến lược ra quyết định và tăng trưởng dài hạn.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết được nghiên cứu ở Việt Nam đều công bố mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn. Tuy vậy, chưa đến một nửa (48%) tiết lộ các mục tiêu dài hạn, tức là trên 5 năm và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu NetZero.
Dưới góc độ một nhà đầu tư, ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho rằng, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
"Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và ban lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn thì sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao phúc lợi cho nhân viên," ông Don Lam chia sẻ.
Song song đó, doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận chuyên trách và theo dõi quá trình thực hành ESG và là đầu mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác thương mại về các thông tin liên quan đến ESG.
Doanh nghiệp cũng cần thực hiện kiểm toán ESG nội bộ và đánh giá toàn diện các bộ phận, nhà máy để nhận diện các rủi ro chính về ESG và kế hoạch cải thiện. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu, gặp phải những vấn đề gì và lộ trình trước mắt như thế nào…
Bên cạnh việc doanh nghiệp cần chủ động tham gia nhiều hơn trong việc hoạch định chiến lược ESG, một số quỹ đầu tư cho rằng, Việt Nam cũng cần hoàn thiện, đồng bộ khung pháp lý và cơ sở dữ liệu về ESG để tận dụng dòng vốn mới trong thời gian tới.
Theo ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOBAM Việt Nam, dữ liệu về ESG ở Việt Nam còn khá hạn chế. Điều này dẫn đến không ít doanh nghiệp niêm yết đang có sự nhầm lẫn trong việc báo cáo các chỉ số ESG. Bên cạnh đó, các công ty sử dụng khung báo cáo khác nhau nên dữ liệu thu thập về ESG chưa được thống nhất.
Do đó, để thúc đẩy thị trường ESG phát triển, cơ quan quản lý cần có sự hướng dẫn rõ ràng về vấn đề báo cáo các chỉ số ESG; có các tiêu chuẩn thống nhất cả trong thu nhập dữ liệu, và chỉ số theo dõi từng ngành để dễ so sánh…/.