Khí hậu mát ở Thái Bình Dương làm giảm độ nóng lên của Trái Đất

Khí hậu mát mẻ ở Thái Bình Dương trong những năm qua là lý do khiến tốc độ nóng lên của Trái Đất chậm lại và khí hậu tại Đại Tây Dương chỉ là yếu tố phụ tác động tới hiện tượng này.
Người dân tránh nắng tại đài phun nước trong công viên ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí Khoa học ngày 26/2, thời tiết mát mẻ tự nhiên của Thái Bình Dương đã góp phần làm giảm tốc độ nóng lên của Trái Đất trong thập kỷ qua.

Việc tốc độ tăng nhiệt trên Trái Đất chậm lại, sau khi có sự tăng mạnh vào những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, đã đặt câu hỏi lớn cho các nhà khoa học vì thực tế cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy, các cơ sở năng lượng và các phương tiện giao thông đã lên mức cao kỷ lục trong thời gian qua.

Để giải đáp thắc mắc trên, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã xem xét lại biểu đồ thay đổi nhiệt độ tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ năm 1850 đến nay, đồng thời kết nối những khuynh hướng được cho là góp phần làm chậm lại hoặc làm tạm ngừng tình trạng Trái Đất nóng lên trong thập kỷ qua của hai đại dương này.

Nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng chính khí hậu mát mẻ ở Thái Bình Dương trong những năm qua là lý do khiến tốc độ nóng lên của Trái Đất chậm lại và khí hậu tại Đại Tây Dương chỉ là yếu tố phụ tác động tới hiện tượng này.

Ngoài ra, để hiểu rõ nguyên nhân giảm tốc độ gia tăng nhiệt, các nhà khoa học cũng phân tích về các đợt nóng, các trận lũ lụt và tình trạng nước biển dâng cao. Dựa trên sơ đồ biến đổi khí hậu trong lịch sử, nhóm nghiên cứu cho rằng khó có thể duy trì hiện tượng này lâu dài, đồng thời trong những thập kỷ tới vẫn sẽ xảy ra hiện tượng Trái Đất nóng lên một cách nhanh chóng do tác động của con người.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết mặc dù tốc độ gia tăng nhiệt đã giảm chậm, nhưng nền nhiệt độ năm ngoái vẫn đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào thế kỷ 19.

Năm 2013, các nhà khoa học về khí tượng của Liên hợp quốc nhận định hiện tượng tạm ngưng tốc độ nóng lên của Trái Đất là do nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi nhiệt độ đại dương, hiện tượng núi lửa phun trào và sự suy giảm nhiệt lượng của Mặt Trời theo chu kỳ 11 năm.

Cũng theo các nhà khoa học này, ít nhất 95% khả năng Trái Đất nóng lên kể từ năm 1950 là do tác động của con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục